Ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3983/QĐ-BVHTTDL, công nhận Nghề thủ công truyền thống làm Muối Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc công nhận nghề làm Muối Sa Huỳnh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự khẳng định giá trị văn hóa lâu đời mà còn là động lực thúc đẩy bảo tồn và phát huy nghề muối truyền thống. Đây cũng là cơ hội để quảng bá, giới thiệu Di sản văn hóa Sa Huỳnh đến du khách, góp phần định vị vùng di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương.
Hoàng hôn trên cánh đồng muối Sa Huỳnh. Ảnh: Internet
Do đặc trưng địa lý Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3.200km, nghề làm muối và làng nghề muối xuất hiện từ lâu đời, hiện diện trên khắp miền duyên hải, từ Bắc chí Nam. Đến ngày nay, một số địa phương có lịch sử làm muối hàng mấy trăm năm vẫn duy trì nghề hoặc lưu lại dấu ấn của nghề bằng việc đặt tên làng, tên xã, tên phường, mang dấu ấn của nghề muối như Diêm Phố (Quảng Nam), Làng muối Tuyết Diêm (Phú Yên), Diêm Điền (Quảng Bình), Ninh Diêm ( Khánh Hòa), Thương Diêm, Hộ Diêm (Ninh Thuận)…
Nghề và làng nghề muối được ghi chép lại khá sớm trong các tư liệu như Ức Trai di tập dư địa chí của Nguyễn Trãi, Phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn, Đại Việt sử ký toàn thư do Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.. Điều thú vị là các nhà nước quân chủ luôn lưu ý tới việc việc kiểm soát và đánh thuế nguồn lợi muối; đặt ra chức quan chuyên lo liệu, quản lý nguồn lợi muối; thậm chí trong một số trường hợp, nhà nước đã dùng muối để ban phát cho dân chúng hoặc làm phẩm vật biếu tặng cho thuộc cấp…
Ở Quảng Ngãi, cánh đồng muối Sa Huỳnh được xem là vựa muối lớn nhất miền Trung với diện tích khoảng 116ha. Làng nghề muối Sa Huỳnh có từ lâu đời, gắn với văn hóa Sa Huỳnh một thời rực rỡ. Trong quá trình tìm kiếm các di tích khảo cổ của nền văn hóa Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ), các nhà nghiên cứu đã phát hiện văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại khoảng 3.000 năm, cư dân đã có kỹ thuật làm muối. Truyền thống làm muối biển ở đây đã được kế tục kéo dài từ thời Sa Huỳnh đến Champa và Đại Việt không bị đứt quãng. Nghề được tiếp nối qua các thế hệ, trở thành nghề truyền thống đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh với bao kinh nghiệm của diêm dân từ khâu dọn mặt ruộng đến khi cho nước biển vào, chờ cho nước bốc hơi kết tinh thành muối, cào muối, gánh muối đang giữa nắng gắt. Đây là nghề gian nan, cực nhọc, vất vả, đi vào tâm thức dân gian “Dân nại (1) tui dại như trâu/ Trời chang chang nắng giơ đầu ra phơi”.
Hiện nay, nghề muối tạo sinh kế cho khoảng 500 hộ diêm dân địa phương, chừng 2.000 nhân khẩu theo nghề làm muối. Hàng năm, làng muối Sa Huỳnh cung cấp cho thị trường từ 8.000 - 9.000 tấn muối thành phẩm. Trong bối cảnh ngày nay, thực trạng của làng nghề làm muối ở Việt Nam nói chung cũng như Quảng Ngãi nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn như năng suất, sản lượng thất thường do phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, phương thức sản xuất truyền thống thô sơ, giá cả luôn bấp bênh, nghề vất vả khiến không ít người dân đã bỏ nghề muối để chuyển đổi làm những nghề khác hay đi ra các thành phố lớn để làm việc… Sự suy giảm của nghề muối dẫn đến sự mai một của những tri thức làm muối lâu đời. Thực trạng này đòi hỏi cần những sự chuyển dịch mạnh mẽ của nghề muối để thích ứng với bối cảnh hiện đại. Tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực tìm hướng đi mới nhằm hỗ trợ người dân ổn định sinh kế, phát triển bền vững(2). Việc gắn sản xuất muối với du lịch cộng đồng là hướng đi mới tích cực, đầy triển vọng cho Quảng Ngãi. Bởi hướng đi này phù hợp với sứ mệnh đưa giá trị văn hóa thành động lực phát triển bền vững; tăng cường năng lực cho cộng đồng địa phương trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy tri thức truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng góp phần cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Khảo sát thực tiễn từ làng nghề muối Sa Huỳnh, chúng tôi nhận thấy đây là một vùng tài nguyên độc đáo, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Có thể kể đến một số tài nguyên quan trọng của địa phương gồm: Cảnh quan cánh đồng muối Sa Huỳnh ngày càng cần được coi trọng bởi đó là hệ sinh thái gắn với đa dạng sinh học; chứa đựng những giá trị văn hóa, di sản, thẩm mỹ, lịch sử và những phương thức sống. Không gian đồng muối Sa Huỳnh có đặc trưng riêng, không bị trùng lặp với các nguồn tài nguyên du lịch khác của tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương khác ở Trung Bộ. Không khí trong lành, vẻ đẹp tự nhiên của cánh đồng muối là một điểm nhấn có sức hút lớn với khách du lịch. Bên cạnh đó là tập quán sản xuất muối của cư dân: theo phương pháp thủ công, những kinh nghiệm và kỹ năng thực tế của diêm dân sẽ là nguồn tài nguyên có sức hấp dẫn cao đối với nhu cầu du lịch trải nghiệm hiện nay. Cùng với đó, kho tàng tri thức địa phương mà diêm dân tích lũy mang dấu ấn văn hóa của nghề làm muối đã hình thành mối liên kết giữa quá khứ và hiện tại, dựa trên việc lý giải về quy trình sản xuất, phương thức sử dụng của các công cụ… góp phần diễn giải lịch sử, văn hóa và di sản của địa phương. Một yếu tố nữa là văn hóa ứng xử của người dân với hạt muối, từ trong trong đời sống cho đến lễ tục cũng vì thế mà gửi gắm bao thông điệp nhân văn: “Tay bưng chén muối dĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau”. Nhiều nơi ở miền Trung, khi vào một ngôi nhà mới thường thấy ba cái chai đựng gạo, muối và nước trong, tượng trưng cho việc dự trữ đầy đủ lương thực, thức ăn và nước uống, là ba món tối cần cho sự sống. Đó cũng là lời chúc phúc, cũng là sự ước nguyện, được đặt lên tầm cao ngay khi ngôi nhà hoàn thành.
Ngoài ra, sự thân thiện, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện đời, chuyện nghề của người dân góp phần tạo nên những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ cho khách du lịch. Từ ở thể lỏng đến khi kết tinh thành hột muối là trăm bề vất vả. Nghề làm muối mỗi năm có một mùa. Bắt đầu sau tết Nguyên đán. Gặp năm trời mưa sớm, lạnh sớm vào cuối tháng sáu đã kết thúc. Năm nắng nhiều thì kéo dài đến tháng tám.
Phát triển du lịch dựa vào văn hoá truyền thống, văn hóa địa phương, văn hóa làng nghề ở Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải đi sâu tìm hiểu một cách thấu đáo để có hướng khai thác hợp lý. Từ nghiên cứu trường hợp làm nghề muối gắn với du lịch ở làng muối Sa Huỳnh; trên cơ sở chính sách chung của nhà nước, địa phương cần có sự chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các quy hoạch, định hướng phát triển. Không chỉ bảo tồn hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học mà còn bảo tồn cả văn hóa truyền thống quê hương. Đặc biệt mô hình du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề cần có sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng cư dân địa phương. Sự hiểu biết phong tục tập quán, sự thực hành văn hóa truyền thống, sự nỗ lực bảo vệ không gian sống tại địa phương sẽ là động lực, niềm tin cho du lịch làng nghề phát triển.
Chú thích
1. Hiểu theo dân gian thì từ “nại” chỉ việc liên quan đến muối, làm muối. "Nại" là những người làm muối.
2. UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng” tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ.