11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Giải phóng được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dân tộc ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam

Trong những năm 1954-1956, Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm tìm mọi cách phá hoại Hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đồng thời tiến hành cuộc “chiến tranh đơn phương”, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ở miền Nam, khiến lực lượng cách mạng miền Nam bị tổn thất nặng nề.

Trước tình hình đó, đường lối cách mạng miền Nam từng bước được hoạch định. Tháng 01/1959, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 chỉ ra nhiệm vụ cơ bản là “giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc ... hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”[1].

Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng hoàn chỉnh những nội dung cơ bản về đường lối và phương pháp cách mạng ở miền Nam. Đại hội đề ra nhiệm vụ trước mắt là “thực hiện một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống Mỹ - Diệm lấy liên minh công - nông làm cơ sở”[2]. Trong lễ bế mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Toàn Đảng và toàn dân ta đoàn kết chặt chẽ thành một khối khổng lồ. Chúng ta sáng tạo. Chúng ta xây dựng. Chúng ta tiến lên. Quyết không có lực lượng nào ngăn được chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”[3].

Sau thắng lợi của cao trào đồng khởi, ngày 20/12/1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, thuộc vùng giải phóng Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Mặt trận thông qua Tuyên ngôn, chương trình hành động “10 điểm” với nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và tay sai, xây dựng một miền Nam dân chủ, trung lập, thiết lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vị trí của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt, dõi theo từng bước đi, sự phát triển, thắng lợi của cách mạng miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Xe tăng Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu)

Người khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, quân và dân miền Nam ngày càng đoàn kết chống Mỹ, cứu nước, càng đánh càng mạnh, càng đánh mạnh càng thắng to, đã viết nên những trang sử vô cùng vẻ vang của dân tộc ta”[4]; xứng đáng “là người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam”.

Từ năm 1961 đến 1962, ở tất cả các miền (Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Gia Định, Trung Nam Bộ, Tây Nam Bộ) đều có Uỷ ban Mặt trận. Trong số 41 tỉnh, thành; từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau có 38 tỉnh, thành đã có Uỷ ban Mặt trận ra mắt nhân dân. Tất cả các xã ở vùng giải phóng đều có cơ sở Mặt trận, có Uỷ ban Mặt trận làm nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, đoàn kết tổ chức chính trị, quân sự, văn hoá và kinh tế.

Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân miền Nam ngày càng phát triển. Từ năm 1961 đến năm 1969, đã có hơn 140 triệu lượt đồng bào đã tham gia đấu tranh chính trị, các phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân không chỉ phát triển ở nông thôn mà còn mạnh mẽ, rộng khắp ở các đô thị. Các cuộc đấu tranh của công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, trí thức, đồng bào Phật giáo và các tầng lớp nhân dân khác ở các thành thị dường như không lúc nào chấm dứt với những đỉnh cao như phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo cuối năm 1963 và năm 1966, phong trào đấu tranh của công nhân và học sinh, sinh viên Sài Gòn năm 1970.

Thông qua cơ quan tuyên truyền của Mặt trận là Thông tấn xã Giải phóng, báo Giải phóng và Đài phát thanh Giải phóng, cùng hàng chục tờ báo của các địa phương, Mặt trận đã đi sâu tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp trong xã hội thấy rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam, vận động, hướng dẫn họ đứng vào mặt trận chống Mỹ, cứu nước, thông qua các hình thức đấu tranh: bãi công, bãi thị, mít tinh. Bằng nhiều hình thức khác nhau, các phong trào đấu tranh đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh tạo ra sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, từng bước đứng lên phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ, lật đổ chính quyền Sài Gòn, đánh bại chiến tranh xâm lược của Mỹ.

Tại kỳ họp lần thứ sáu Quốc hội khóa II, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết chặt chẽ chung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng bào miền Nam không phân biệt gái, trai, già, trẻ; không phân biệt sĩ, nông, công, thương; không phân biệt người Kinh, người Thượng; đồng tâm nhất trí, vượt mọi khó khăn gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng”[5].

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, Mặt trận đã nhấn mạnh nội dung trong Cương lĩnh hoạt động là ngoại giao hòa bình trung lập và hòa bình thống nhất Tổ quốc để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới và thể hiện mạnh mẽ nguyện vọng độc lập, thống nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Tại Hội nghị Cán bộ ngoại giao lần thứ V, diễn ra ngày 16/3/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Bây giờ ngoại giao của ta vừa là một mà vừa là hai; vừa là hai mà lại vừa là một. Ta vừa có ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vừa có ngoại giao của Mặt trận Dân tộc giải phóng”[6]. Mặt trận đóng vai trò vô cùng quan trọng bên cạnh những hoạt động ngoại giao của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên diễn đàn Hội nghị quốc tế, hai phái đoàn cùng hướng tới nội dung là lên án chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, tố cáo tội ác và đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, vì một mục tiêu duy nhất: Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cuối năm 1968, sau gần 8 năm tìm mọi cách phủ nhận sự tồn tại và vai trò đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ phải chấp nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên tham gia đàm phán.

Từ năm 1969, Mỹ chuyển sang ráo riết tiến hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước tình hình mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiên lên “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.

Ngày 8/5/1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã cụ thể tư tưởng chiến lược của Người thành Giải pháp toàn bộ 10 điểm, trong đó nêu bật giải pháp phải tạo cơ hội cho Mỹ chấm dứt chiến tranh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Tiến trình đàm phán Paris cũng dần đạt được những kết quả với những hoạt động ngoại giao phong phú của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ra đời tháng 6/1969.

Cờ Giải phóng trên xe của lực lượng cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn (Ảnh tư liệu)

Lá cờ Giải phóng

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, chọn hiệu kỳ là Hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sau này trở thành cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Cờ Giải phóng) được sử dụng từ năm 1960 đến năm 1975.

Đây là lá cờ lấy khuôn mẫu của quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và chia một nửa màu đỏ để thay bằng màu xanh. Lá cờ có hình ngôi sao vàng trên nền cờ đỏ và xanh dương. Nửa phần trên đại diện cho miền Bắc đã độc lập và màu đỏ của cờ tượng trưng cho cách mạng, cho sự hy sinh và khát vọng giành độc lập của nhân dân miền Nam cũng như cả dân tộc Việt Nam. Nó cũng biểu thị cho sự đổ máu của các chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc. Nửa màu xanh dương tượng trưng cho miền Nam còn trong vòng kềm kẹp của Mỹ và chế độ Sài Gòn, song miền Nam đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất (màu xanh hòa bình).. Ngôi sao năm cánh màu vàng nằm ở trung tâm của cờ tượng trưng cho khối đoàn kết của các dân tộc và các tầng lớp nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Đây cũng là biểu tượng của sự thống nhất và quyết tâm của các lực lượng cách mạng.

“Lá cờ nửa đỏ nửa xanh/ Màu đỏ của đất, màu xanh của trời/ Ngôi sao, chân lý của đời/ Việt Nam, vàng của lòng người hôm nay”, nhà thơ Tố Hữu đã nhắc tới lá cờ Giải phóng như thế trong bài thơ “Nước non ngàn dặm”.

Ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn sụp đổ, đánh dấu sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thắng lợi đó cho thấy rõ vai trò to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong 1 năm sau đó, ở miền Nam, tại các trụ sở công quyền, trường học,... trong nghi lễ thường thấy hai lá cờ đứng cạnh nhau. Một lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một lá cờ với ngôi sao vàng trên nền hai màu xanh đỏ - lá cờ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Cờ Giải phóng là biểu tượng của sự đoàn kết, quyết tâm đấu tranh và khát vọng tự do của nhân dân miền Nam Việt Nam trong suốt cuộc chiến đấu chống Mỹ, và nó đã đi vào lịch sử như một biểu tượng quan trọng trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Cờ Giải phóng còn mang ý nghĩa cách mạng sâu sắc, thể hiện khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập để đoàn kết các lực lượng cách mạng, từ đó tổ chức kháng chiến chống lại sự xâm lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Lá cờ này cũng phản ánh khí thế chiến đấu không ngừng nghỉ của nhân dân miền Nam, khẳng định quyết tâm giành lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam, đồng thời phản đối sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài vào công việc nội bộ của đất nước.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam miền Nam với lá cờ Giải phóng đã trở thành ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh chống ách thống trị của chính quyền tay sai phản động, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, thống nhất đất nước ở miền Nam.

Tháng 4/1976, thực hiện chủ trương thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, nước Việt Nam thống nhất ra đời, với Cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ. Lá cờ Giải phóng kết thúc sứ mệnh chính trị của mình. Tháng 2/1977, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình, trở thành một phần quan trọng trong lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam.

 

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.20, tr.81..

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, t.21, tr.920.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr.681.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.522.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.79-80.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđ d, t.15, tr.63.