Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái là một nghi lễ quan trọng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với trời đất, tổ tiên và các vị thần linh đã ban cho mùa màng bội thu. Đây là nét đẹp văn hóa đặc trưng, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước của người Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu… Hiện nay, nghi lễ này vẫn được đồng bào dân tộc Thái tại tỉnh Điện Biên duy trì và bảo tồn, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc.
Mâm cơm cúng tổ tiên của người Thái Đen. Ảnh: giaoducthoidai.vn
Theo tiếng của dân tộc Thái (Thái Đen) Lễ mừng cơm mới là Pạt tông khẩư mấư - đây là một nghi thức độc đáo mang nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa của đồng bào Thái Đen ở Tây Bắc. Lễ mừng cơm mới là dịp để người Thái thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và cầu mong cho những vụ mùa tiếp theo gặp mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi. Đồng thời đây cũng là dịp để đồng bào Thái thêm thắt chặt tình đoàn kết và giành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Lễ mừng cơm mới chính là một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái ở Tây Bắc mang tính nhân văn vô cùng sâu sắc.
Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên thường được tổ chức vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, khi lúa trên nương và trên đồng ruộng đã chín vàng thì bà con dân tộc Thái sẽ dâng lên tổ tiên những hạt gạo đầu tiên của mùa vụ mới, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc đối với mọi người trong cộng đồng. Phần nghi lễ chính thức của Lễ mừng cơm mới thường diễn ra tại nhà sàn của từng gia đình hoặc có thể được tổ chức theo quy mô cộng đồng. Các nghi thức chính bao gồm:
Đầu tiên là nghi lễ cúng tổ tiên và thần linh: Trong nghi lễ cúng tổ tiên và thần linh, chủ nhà sẽ chọn những bông lúa chín đẹp nhất để làm cơm mới. Gạo mới được giã bằng cối gỗ, sau đó nấu thành xôi hoặc cơm lam. Một mâm cúng đầy đủ sẽ được bày ra, gồm cơm mới, thịt gà, rượu, cá nướng… để dâng lên bàn thờ tổ tiên. Trong khi thực hiện nghi lễ thầy cúng hoặc chủ nhà sẽ là người tiến hành khấn vái, mời tổ tiên về chứng giám và phù hộ cho mọi thành viên trong gia đình.
Tiếp đến là phần hội – ăn mừng mùa màng bội thu: Sau khi nghi lễ cúng tổ tiên và thần linh được thực hiện xong, cả gia đình sẽ cùng thưởng thức cơm mới, chia sẻ niềm vui mùa màng với bà con lối xóm. Sau cùng là các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc. Những cô gái Thái trong bộ trang phục áo cóm cùng nắm tay nhau trong điệu múa xòe, những trò chơi ném còn, kéo co, thi ẩm thực, thi giã gạo, thổi cơm… diễn ra sôi nổi với đông đảo mọi người cùng tham gia tạo nên không khí vui vẻ, đoàn kết, thấm đượm tình cộng đồng sâu sắc.
Phần thi làm cốm dẻo người Thái Đen ở U Va Điện Biên. Ảnh: giaoducthoidai.vn
Các nghi lễ đã thể hiện được truyền thống tôn kính tổ tiên, uống nước nhớ nguồn của đồng bào dân tộc Thái. Lễ mừng cơm mới là dịp để con cháu cảm ơn ông bà, tổ tiên đã luôn luôn dõi theo, phù hộ cho mọi thành viên trong gia đình được khỏe mạnh, làm ăn, chăn nuôi phát triển, ruộng đồng được xanh tốt, đồng thời đây cũng là dịp để người thân trong gia đình, làng bản chung vui, chia sẻ với nhau về cuộc sống và thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng. Nét đặc trưng văn hóa của Lễ mừng cơm mới được thể hiện thông qua món ăn đặc trưng: Cơm mới thường được đồ thành xôi ngũ sắc, cơm lam, cơm nếp nương - những món ăn mang đậm hương vị vùng cao. Đây không chỉ là nghi lễ nông nghiệp mà còn là dịp để cộng đồng người Thái gắn kết, thể hiện tinh thần đoàn kết, biết sẻ chia và giúp đỡ lẫn nhau. Những giá trị đó sẽ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Thái trong chính đời sống hiện đại. Chính vì vậy, Lễ mừng cơm mới cần được duy trì tổ chức hằng năm nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Thái, góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái tại tỉnh Điện Biên đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thông qua những giải pháp cụ thể sau:
Một mặt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc Thái cũng như các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa của việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Lễ mừng cơm mới. Việc lồng ghép các chương trình giáo dục về nghi lễ này vào trường học, đặc biệt tại khu vực có đông đồng bào Thái sinh sống, sẽ giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và trân quý di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, việc tận dụng các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, mạng xã hội để quảng bá rộng rãi cũng góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của lễ hội.
Song song với đó, cần khuyến khích cộng đồng người Thái duy trì và thực hành Lễ mừng cơm mới hàng năm theo đúng truyền thống. Điều này đòi hỏi những chính sách hỗ trợ cụ thể dành cho các gia đình, dòng họ và cộng đồng địa phương trong việc tổ chức nghi lễ. Đồng thời, tạo điều kiện để các nghệ nhân dân gian truyền dạy lại những nghi thức, bài cúng, điệu múa, làn điệu dân gian liên quan đến lễ hội cho thế hệ trẻ, đảm bảo sự kế thừa và phát triển bền vững.
Ngoài ra, việc kết hợp bảo tồn Lễ mừng cơm mới với phát triển du lịch tại Điện Biên cũng là một hướng đi hiệu quả. Du lịch văn hóa cộng đồng đang ngày càng thu hút du khách, do đó, việc thiết kế các tour trải nghiệm để khách tham gia vào nghi lễ sẽ giúp quảng bá sâu rộng hơn nét đẹp văn hóa dân tộc Thái. Trong khuôn khổ lễ hội, người dân địa phương có thể giới thiệu các sản phẩm đặc trưng như ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, tạo cơ hội để du khách trải nghiệm và thưởng thức những tinh hoa vùng miền.
Đặc biệt, công tác bảo tồn cần được chú trọng thông qua việc ghi chép, lưu trữ tư liệu về Lễ mừng cơm mới. Việc quay phim, chụp ảnh tư liệu và xây dựng kho lưu trữ số sẽ giúp bảo tồn nguyên vẹn giá trị văn hóa cho các thế hệ sau. Số hóa tài liệu và đưa lên các nền tảng trực tuyến cũng tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, từ đó góp phần ngăn chặn nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc.
Với những giải pháp đồng bộ này, Lễ mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Thái không chỉ được gìn giữ mà còn có cơ hội lan tỏa mạnh mẽ hơn, góp phần bảo vệ di sản văn hóa và thúc đẩy du lịch Điện Biên trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ bởi các di tích lịch sử mà còn bởi những giá trị văn hóa cộng đồng đặc sắc.