Sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một yêu cầu tất yếu, không chỉ xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam mà còn là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Chủ trương thực hiện sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tại Việt Nam có cơ sở lý luận là nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy nhà nước và các quan điểm đổi mới của Đảng xuyên suốt từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI. Đây là bước đi chiến lược của Đảng và Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng vấn đề này để tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc nhằm gây hoang mang trong dư luận, bôi nhọ uy tín của Đảng và Nhà nước. Chúng ta cần nhận diện các luận điệu xuyên tạc và đưa ra các ý kiến phản bác để nâng cao nhận thức của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân trong công cuộc cải cách bộ máy của hệ thống chính trị.
Một là, xuyên tạc rằng tinh giản bộ máy là do “ý chí chủ quan” của lãnh đạo
Luận điệu xuyên tạc: Một số đối tượng cho rằng việc tinh giản bộ máy là do “ý chí chủ quan” của một số lãnh đạo, không dựa trên cơ sở khoa học hay thực tiễn (!).
Nội dung phản bác: Chủ trương sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định từ lâu, được thực hiện từng bước một cách bài bản, có kế hoạch, lộ trình rõ ràng. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, xuất phát từ đòi hỏi của lịch sử dân tộc trong thực tiễn mới. Việc sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị không phải là ý muốn chủ quan của một cá nhân hay một nhóm lợi ích mà là chủ trương lớn của Đảng, được thể hiện qua văn kiện của các kỳ Đại hội. Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển của đất nước, từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả. Nghị quyết số 06-NQ/HNTW, ngày 29/3/1989, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, về kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới và các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tiếp theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”, và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, không thể phủ nhận. Như vậy, việc sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn không phải là ý chí chủ quan của một số lãnh đạo, mà là hành động theo lộ trình dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Hai là, xuyên tạc rằng tinh giản bộ máy là để “mở đường” cho tư nhân hóa, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước
Luận điệu xuyên tạc: Một số đối tượng cho rằng việc tinh giản bộ máy nhà nước là bước đi ngầm để “tư nhân hóa” nền kinh tế, đẩy Nhà nước ra khỏi vai trò điều tiết và Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự “thu hẹp quyền lực”.
Nội dung phản bác: Việc sắp xếp lại bộ máy không làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng mà ngược lại, giúp Đảng và Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Chủ trương này hướng đến việc xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, có năng lực quản lý tốt hơn, giảm thiểu quan liêu, trì trệ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy vẫn bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nhưng với phương thức hoạt động khoa học hơn, linh hoạt hơn và gắn chặt với thực tiễn hơn. Trên cơ sở tổng kết quả hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và đánh giá sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là từ tháng 10/2024 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp, các ngành đã thống nhất rất cao về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; với phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kiên định mục tiêu, yêu cầu đề ra, bảo đảm đúng Điều lệ Đảng, giữ vững các nguyên tắc của Đảng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, dân chủ, công khai, trên cơ sở tiếp tục kế thừa kết quả thực hiện Nghị quyết 18 – NQ/TW.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định rõ định hướng: “Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không ngừng nâng cao năng lực kiến tạo phát triển, quản trị quốc gia hiện đại”. Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam vẫn giữ vai trò trung tâm trong điều tiết vĩ mô, hoạch định chính sách, định hướng phát triển và đảm bảo công bằng xã hội. Việc sắp xếp, sáp nhập các cơ quan, cắt giảm cấp trung gian... chỉ là nhằm tránh trùng lặp chức năng, giảm chi phí hành chính, tăng khả năng phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả hơn. Như vậy, vai trò của nhà nước không những mất đi, mà còn được đề cao hơn nữa trong công cuộc điều tiết nền kinh tế, phát triển đất nước. Mặt khác, trong Báo cáo tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ khẳng định: “Tinh giản bộ máy không làm suy yếu mà giúp củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của Nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng”. Tinh gọn bộ máy là bước đi chủ động của Đảng và Nhà nước, để Nhà nước mạnh mẽ hơn và hiện đại hơn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân.
Ba là, xuyên tạc rằng tinh giản bộ máy chỉ là biện pháp hình thức, không có hiệu quả thực tế
Luận điệu xuyên tạc: Các thế lực thù địch tuyên truyền rằng việc tinh giản bộ máy chỉ là thay đổi về danh nghĩa, trong khi thực tế bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều đơn vị chỉ “gộp tên” nhưng chức năng, nhiệm vụ vẫn chồng chéo, không hiệu quả.
Nội dung phản bác: Trên thực tế, việc sắp xếp lại bộ máy đã đem lại những kết quả cụ thể và rõ ràng, hàng nghìn đầu mối đơn vị hành chính đã được sắp xếp lại một cách hợp lý. Việc tinh giản biên chế đã giúp giảm gánh nặng ngân sách, tạo động lực cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Chính phủ đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình làm việc, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Việc nhìn nhận các hạn chế, khó khăn trong quá trình sắp xếp lại bộ máy là để tìm ra nguyên nhân, nhìn ra những tồn tại để tiếp tục khắc phục, kiên trì tiến tới mục điêu đề ra. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Những gì cản trở phát triển, cái gì là điểm nghẽn thì phải giải quyết. Cách mạng sắp xếp, sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị không chỉ để ứng phó với những yêu cầu cấp bách trước mắt, mà là nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, mang lại cơ hội lớn để Việt Nam tiến xa hơn trên con đường hội nhập và phát triển. Hiệu quả, lợi ích đã thấy rõ, song đó mới chỉ là bước đầu. Chúng ta càng thực hiện khẩn trương, quyết liệt, triệt để thì hiệu quả, lợi ích mang lại cành to lớn và có ý nghĩa lâu dài. Vì vậy, việc tinh giản bộ máy không phải chỉ là thay đổi về danh nghĩa, mà là cuộc cách mạng về bản chất, là tất yếu không thể trì hoãn để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới với vị thế và tầm vóc mới trên trường quốc tế.
Những luận điệu xuyên tạc về sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị đều có chung một mục đích, đó là gây hoang mang, khiến nhân dân mất lòng tin vào Đảng và Nhà nước, làm suy yếu sự đoàn kết toàn dân, kích động tâm lý hoài nghi, bất mãn. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, nâng cao nhận thức chính trị, nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái, đồng thời tích cực tuyên truyền về những lợi ích thiết thực mà chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy mang lại, góp phần xây dựng một hệ thống chính trị vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.