1. Tâm thế cán bộ – Chìa khóa thành bại trong hành trình sáp nhập đơn vị hành chính
Thực tế cho thấy, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ đây là chủ trương lớn, đúng đắn, nhằm tinh giản bộ máy, khắc phục chồng chéo chức năng, nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ nhân dân. Nhiều cán bộ coi việc tham gia sáp nhập là trách nhiệm chính trị, cơ hội để thể hiện năng lực, được bố trí công việc phù hợp hơn trong hệ thống mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sáp nhập quy mô lớn, một bộ phận cán bộ vẫn còn tâm lý hoang mang, do dự, lo ngại về vị trí việc làm, khả năng điều chuyển công tác xa nơi cư trú, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt. Thậm chí có hiện tượng làm việc cầm chừng, thiếu tinh thần chủ động, dẫn đến trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, tác động tiêu cực đến tiến độ công việc, như việc giải ngân vốn đầu tư công quý I/2025 giảm so với cùng kỳ.
Tâm thế cán bộ, vì thế, không đơn thuần là biểu hiện cảm xúc cá nhân, mà là yếu tố then chốt tác động đến chất lượng thực hiện chủ trương. Nếu không được nhận diện, tháo gỡ kịp thời, sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu, nội dung, kết quả sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị; đồng thời, lại là mảnh đất màu mỡ cho các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, thù địch.
2. Tạo dựng tâm thế tích cực – Bài toán về quản trị sự thay đổi trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính
Để biến thách thức thành cơ hội, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, không chỉ từ góc độ hành chính mà còn ở tầm quản trị sự thay đổi về tổ chức, con người và niềm tin.
Thứ nhất, tăng cường công tác tư tưởng, truyền thông. Cần tuyên truyền sâu rộng, thuyết phục về tính tất yếu, mục tiêu, lộ trình của việc sáp nhập, giúp cán bộ hiểu rõ đây không phải là “thử nghiệm hành chính”, mà là chiến lược cải cách dài hạn. Tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội cần bám sát cơ sở, chủ động lắng nghe, giải tỏa tâm lý, phản ánh và xử lý kịp thời những vướng mắc, kiến nghị chính đáng.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, bài bản việc sắp xếp bộ máy theo đúng lộ trình, bảo đảm tính công khai, minh bạch. Cần lựa chọn cán bộ lãnh đạo đơn vị mới có đủ năng lực, phẩm chất, tạo niềm tin và dẫn dắt đội ngũ trong giai đoạn chuyển tiếp. Không để kéo dài trạng thái “chờ đợi”, gây tâm lý mơ hồ, cản trở tiến trình đổi mới.
Thứ ba, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp lý của cán bộ. Việc bố trí nhân sự sau sáp nhập phải dựa trên nguyên tắc công khai, đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực và sở trường. Với cán bộ không tiếp tục giữ chức vụ cũ, cần có phương án bố trí phù hợp hoặc giải quyết chính sách thỏa đáng, tránh tạo cảm giác bị bỏ rơi, bị loại khỏi guồng máy.
Thứ tư, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức quản lý hành chính hiện đại. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ số trong phân công, đánh giá công việc để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, giảm thiểu xung đột nội bộ.
Thứ năm, thiết lập cơ chế phản hồi nhanh, linh hoạt trong quá trình triển khai. Việc thường xuyên nắm bắt tâm tư cán bộ, tổng hợp vướng mắc và kịp thời điều chỉnh chính sách là yếu tố bảo đảm sự vận hành suôn sẻ của bộ máy mới, đồng thời góp phần củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong toàn hệ thống.
Sáp nhập đơn vị hành chính là quá trình tất yếu, khách quan. Nhưng thành công của quá trình này không chỉ đo bằng con số bộ máy tinh giản hay ngân sách tiết kiệm được, mà còn phải được đánh giá bằng tinh thần trách nhiệm, sự ổn định tâm lý và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ sau sáp nhập. Tâm thế cán bộ chính là điểm tựa để chuyển hóa những quyết sách chiến lược có tính cách mạng của Đảng, Nhà nước thành hiện thực đời sống sinh động.