Tăng cường công tác quản lý tư tưởng của đảng viên trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường, quan điểm, bồi dưỡng và phát triển phẩm chất tốt đẹp của mỗi đảng viên; giúp chủ động ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm(1), tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất thì nhiệm vụ tuy nặng nề, công việc tuy khó khăn phức tạp, ta cũng nhất định thắng lợi(2), giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng(1).

Công tác quản lý về tư tưởng của đảng viên là một nội dung quan trọng của công tác quản lý đảng viên. Các vấn đề về tư tưởng của mỗi đảng viên thường liên quan đến các yếu tố: Thứ nhất, các yếu tố liên quan đến quyền lợi của đảng viên bao gồm lợi ích vật chất (chế độ đãi ngộ, đề bạt, chế độ chính sách, lương, thưởng…) lợi ích phi vật chất (sự tôn trọng, sự quan tâm, sự giúp đỡ, động viên…). Thứ hai, các vấn đề của nội bộ tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị. Thứ ba, sự “lây lan” trước các thông tin, biểu hiện thiếu lành mạnh. Có khi, các thông tin, vấn đề không tích cực, lành mạnh chỉ xuất hiện và tồn tại ở một vài cán bộ, đảng viên nhưng do không kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý nên làm lây lan sang một số người khác hoặc lan từ chuyện này sang chuyện kia... Thứ tư, bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai trái, xuyên tạc. Trên thực tế, do nhận thức, trình độ, góc nhìn, bản lĩnh… mà không phải đảng viên nào cũng có thể có “bộ lọc” hữu hiệu khi tiếp nhận các thông tin sai trái đó. Vì vậy, có đảng viên tỏ ra băn khoăn, từ đó nếu không được kịp thời làm công tác tư tưởng thì dẫn đến dao động và đi đến các biểu hiện suy thoái khác.

 Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, cấp uỷ các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp quản lý tư tưởng của đảng viên. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Trung ương như Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/01/2025 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... công tác quản lý đảng viên đã bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, chủ động xây dựng kế hoạch, xác định đối tượng, nội dung, thời gian tiến hành để giáo dục, định hướng, dự báo, phân tích, đánh giá kịp thời những vấn đề nảy sinh; đồng thời, có biện pháp đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng của đảng viên hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp sau.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng trong quá trình quản lý tư tưởng của đảng viên. Đây là biện pháp cơ bản, quan trọng và cấp bách hiện nay. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng của cấp ủy, tổ chức đảng vừa có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý tư tưởng của đảng viên, vừa góp phần thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016. Trong quá trình thực hiện nghị quyết, cấp ủy các cấp cần thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; thường xuyên đổi mới phương pháp nắm tư tưởng của đảng viên, đi sâu tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và khả năng nhận thức chính trị của đảng viên để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý tư tưởng sát đúng. Cần phân công cấp ủy viên trực tiếp theo dõi tư tưởng của đảng viên; định kỳ hằng tháng, quý, năm thực hiện công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; qua đó chỉ ra những mặt mạnh, hạn chế và nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác này. Chú trọng phát huy trách nhiệm chính trị của từng đảng viên trong tự quản lý về tư tưởng, bảo đảm không có những lời nói, hành động trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác dân vận, tạo môi trường thuận lợi để đảng viên khẳng định mình trong thực tiễn. Kịp thời phát hiện, đấu tranh với những tư tưởng tiêu cực; các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Hai là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, trước hết là của người đứng đầu và của mỗi đảng viên. Cấp ủy các cấp cần cung cấp thông tin đủ, đúng, kịp thời về tình hình giúp cho cán bộ, đảng viên có đủ thông tin chính thống để bàn luận, thống nhất nhận thức và hình thành thái độ đúng với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Các cấp cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội tham gia vào công tác quản lý tư tưởng của đảng viên. Đặc biệt, cần thực hiện tốt Luật dân chủ ở cơ sở; Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi, để quần chúng đóng góp ý kiến với đảng viên; thông qua đó, nắm bắt những vấn đề đang nổi lên, kịp thời có biện pháp giải quyết phù hợp.

Ba là, bí thư cấp ủy cần phải tăng cường đối thoại, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên lắng nghe tâm tư, kịp thời nắm bắt và giải quyết hoặc kiến nghị cấp trên giải quyết những nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đảng viên. Việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của đảng viên có thể bằng nhiều cách, như thông qua sinh hoạt chi bộ, qua các đợt sinh hoạt chuyên môn hoặc trao đổi công tác, kể cả qua chuyện trò mang tính chất cá nhân, đồng chí, đồng nghiệp và cần được tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ khi phát hiện có vấn đề. 

Bốn , tăng cường công tác thông tin định hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên nhất là thông tin về những vấn đề được dư luận quan tâm (quyền lợi, công tác cán bộ, chủ trương, chính sách, kế hoạch…) nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, tránh những ý kiến trái chiều.

Năm là, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp quản lý tư tưởng của đảng viên. Vấn đề khó nhất trong quản lý tư tưởng của đảng viên hiện nay là đánh giá đúng thực trạng tư tưởng và có biện pháp quản lý phù hợp với từng đảng viên. Để thực hiện tốt những nội dung này, ngoài việc định kỳ sinh hoạt chi bộ để mỗi đảng viên phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình; đảng viên làm bản tự kiểm điểm cuối năm cần bổ sung thêm nhiều biện pháp khác như chú ý đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; học tập quán triệt Nghị quyết; giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, lối sống và theo dõi diễn biến tư tưởng của đảng viên./.

Ngọc Cảnh

Chú thích và tài liệu tham khảo

(1), (2), (3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.114; tập 8, tr.555; tập 8, tr.279.