Hòa chung không khí thiêng liêng trong niềm tưởng nhớ và lòng biết ơn sâu sắc của người dân cả nước hướng đến ngày lễ lớn Mùng 10 tháng 3, triệu trái tim con Lạc cháu Hồng lại cùng hướng về đất Tổ Phú Thọ, nơi khởi nguồn của dòng máu Tiên Rồng, ngược dòng thời gian tìm về nguồn cội qua 18 đời vua Hùng và trào dâng lên niềm tự hào mãnh liệt về bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ hội Đền Hùng tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (Ảnh Internet)

1. Vào ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một sự kiện văn hóa - lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với dân tộc Việt Nam, vừa tôn vinh nét đẹp về lòng biết ơn và sự tri ân, đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ con cháu đối với ông bà tổ tiên; vừa mang ý nghĩa sâu sắc về tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc suốt mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Để tìm về nguồn gốc cho sự xuất hiện và phát triển tín ngưỡng tâm linh cao đẹp này, chúng ta cùng trở về thế kỷ VII đến thế kỷ II trước Công nguyên - ở đó có một thời đại - thời đại Hùng Vương, tỏa sáng cùng những câu chuyện đi vào truyền thuyết dân gian, có những sự kiện và thành tựu rực rỡ đi vào sử sách dân tộc. Thời đại đó có 18 vị Vua Hùng - được vinh danh là những người có công khai sáng đất nước Văn Lang – quốc gia đầu tiên của người Việt. Dẫu có những truyền thuyết, huyền thoại lì kỳ hấp dẫn, nhưng qua những phát hiện khảo cổ về văn hóa Đông Sơn như: sưu tập trống đồng, công cụ lao động, vũ khí, mộ táng…, qua các thư tịch cổ và qua hàng loạt các di tích, lễ hội ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (đậm đặc nhất ở Phú Thọ) đã minh chứng cho sự ra đời, tồn tại của nhà nước Văn Lang là có thực trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Mặc dù tổ chức nhà nước Văn Lang bấy giờ còn đơn giản, sơ khai, chưa có luật pháp, quân đội, chỉ chia đất nước thành nhiều bộ lạc nhỏ, đứng đầu mỗi bộ là Lạc tướng, còn các quan lại giúp việc gọi là Lạc hầu nhưng các vua Hùng đã cùng các Lạc tướng tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ bờ cõi khỏi sự xâm lấn của các bộ tộc khác. Đồng thời cũng khuyến khích việc mở rộng đất canh tác, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của quốc gia và nhà nước phong kiến sau này.

Đời sống vật chất và tinh thần của người Việt cổ dưới thời Văn Lang khá phong phú, chất phác, gắn với nền nông nghiệp lúa nước cùng những phong tục tập quán, lễ hội đậm nét. Tất cả những điều đó là khởi nguồn cho lòng yêu nước và tinh thần độc lập, tự do bất duyệt về sau của dân tộc Việt Nam; là nền móng đắp xây bồi tụ nên ý thức, bản sắc và truyền thống cao đẹp muôn đời. Hòa vào dòng chảy lịch sử đó, những giá trị văn hóa thời kỳ Hùng Vương vẫn được tồn tại và bảo lưu đậm chất trong nhịp sống hiện đại ngày nay.

2. Có thể khẳng định, Vua Hùng luôn được coi là biểu tượng, vị Thủy Tổ dựng nước của dân tộc Việt Nam, Vua Hùng luôn hiện diện ở trong niềm tin của con dân đất Việt và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành lễ hội tín ngưỡng truyền thống lớn nhất, chiếm một vị thế đặc biệt trong tâm thức và tình cảm của người Việt trong nước và Việt kiều ở nước ngoài.  

Ngày nay, Lễ hội vẫn luôn được gìn giữ, phát huy và lan tỏa rộng khắp nơi nơi, Lễ hội đền Hùng kéo dài từ mùng 8 đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, trong đó mùng 10 là chính hội, thu hút hàng triệu triệu người dân Việt Nam và du khách thập phương đến dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ) – mảnh đất đầu tiên nơi lập quốc Văn Lang - trung tâm của tín ngưỡng. Hàng năm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thực hành thông qua nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống, được tổ chức một cách trọng thể, đảm bảo trang nghiêm, thành kính với nghi thức đại lễ quốc gia như: các nghi lễ rước kiệu, dâng hương, tế lễ - dâng cúng (1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ, cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian như hát xoan, trò chơi dân gian, đấu vật, thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy…

Trải qua bao cuộc bể dâu và thăng trầm trong lịch sử dân tộc nhưng lễ hội Đền Hùng lúc nào cũng được tổ chức long trọng. Không chỉ riêng Phú Thọ mà hiện nay trong cả nước có rất nhiều di tích thờ Hùng Vương và tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang hay nhiều gia đình Việt Nam cũng lập bàn thờ để tưởng nhớ công ơn tổ tiên và các Vua Hùng. Điều này đã thể hiện rõ sợi dây gắn kết bền chặt giữa quá khứ và hiện tại với bản lĩnh phi thường của một nền văn hiến rực rỡ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cứ mỗi dịp tháng 3 về, việc hành hương tìm về nơi con Rồng cháu Tiên khai sinh mở nước, tìm về gốc gác của họ Hồng Bàng sinh sôi, tìm về nơi mạch nguồn của dòng máu Lạc Hồng - dòng máu anh hùng vẫn chảy xuyên suốt - chính là niềm mong mỏi, khát khao, đợi chờ của tất cả thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử, trân trọng và tự hào vô cùng. Trong thời đại ngày nay, tín ngưỡng thiêng liêng này không chỉ mang giá trị truyền thống mà còn giữ một vai trò to lớn, như một nguồn lực tâm linh mạnh mẽ - một điểm đến quan trọng của du lịch văn hóa, nghiên cứu lịch sử và bảo tồn di sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương và đất nước.

Đặc biệt, Lễ hội Đền Hùng còn trở thành cầu nối văn hóa giữa các thế hệ, góp phần gắn kết cộng đồng, củng cố lòng yêu nước – tự tôn dân tộc của người Việt Nam trên toàn thế giới. Hơn nữa, khi đất nước chuyển mình bước vào thời đại kỷ nguyên số, thì những ứng dụng công nghệ trở thành những công cụ hỗ trợ đắc lực trong bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các nền tảng mạng xã hội có thể trở thành kênh truyền bá hiệu quả cũng như giúp lưu trữ thông tin về nghi lễ, phong tục để không bị mai một theo thời gian hay bị ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa ngoại lai. Có thể thấy rằng, sự công nhận di sản này của UNESCO đã khẳng định mạnh mẽ giá trị và bản sắc dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa.