(VNTV). Theo Bộ Nội vụ, quy mô công chức, viên chức dự kiến giảm 20%, tương đương 100.528 người (không tính viên chức y tế và giáo dục). Chủ trương tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước là đúng đắn. Tuy nhiên, điều này đồng thời đặt ra một vấn đề cần được đặc biệt quan tâm: lực lượng lao động này sẽ chuyển hướng nghề nghiệp như thế nào? Cơ hội việc làm nào đang chờ đợi họ và nên có giải pháp gì để không ai bị bỏ lại phía sau?

Một cơ chế hỗ trợ hợp lý và một chiến lược chuyển đổi nghề nghiệp toàn diện sẽ giúp không chỉ có cựu công chức, viên chức được hỗ trợ tái định vị nghề nghiệp, mà xã hội cũng sẽ được hưởng lợi từ một lực lượng lao động chất lượng, linh hoạt và đầy sáng tạo. Với những người còn trong độ tuổi lao động, khu vực doanh nghiệp tư nhân và FDI là đích đến tiềm năng. Đây là nơi đang khát nhân lực có kinh nghiệm quản lý, am hiểu pháp luật và kỹ năng hành chính - những thế mạnh sẵn có của công chức.

Nếu được đào tạo thêm kỹ năng mềm, kỹ năng số và tư duy thị trường, họ có thể đảm nhận tốt các vị trí như pháp chế, nhân sự hoặc tư vấn chính sách trong các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ: môi trường công vốn ổn định, ít áp lực, trong khi khu vực tư đòi hỏi sự năng động, linh hoạt và khả năng thích nghi cao; nhiều người còn thiếu kỹ năng thực tế mà doanh nghiệp cần.

Để khắc phục, cần thiết lập các chương trình đào tạo chuyên sâu, tập trung vào kỹ năng mềm, kỹ năng số và tư duy thị trường; có chương trình kết nối cựu công chức với doanh nghiệp, từ đó giúp họ tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp. Cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng cũng là cách thức hữu hiệu để doanh nghiệp tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng từ khu vực công.

Khởi nghiệp là một hướng đi khác đầy triển vọng, đặc biệt với những ai có khát vọng làm giàu và thích thử thách. Công chức vốn sở hữu nền tảng vững chắc: kinh nghiệm quản lý, hiểu biết pháp lý, kỹ năng điều phối và xử lý tình huống - những yếu tố cốt lõi để xây dựng doanh nghiệp.

Song, con đường này không dễ dàng. Thiếu vốn, thiếu kỹ năng thị trường và mạng lưới kết nối là những rào cản lớn. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách lập quỹ khởi nghiệp dành riêng cho cựu công chức, cung cấp vốn mồi, chi phí thuê mặt bằng, phát triển thương hiệu hoặc phần mềm quản lý. Hệ sinh thái khởi nghiệp cũng được cần mở rộng qua các mô hình như văn phòng chia sẻ, “xưởng sản xuất mini”, hay “chợ số”, giúp giảm gánh nặng chi phí ban đầu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp non trẻ phát triển.

Ngoài ra, khu vực phi lợi nhuận và tổ chức phi chính phủ cũng là lựa chọn đáng cân nhắc. Các tổ chức này hoạt động trong giáo dục, y tế, môi trường hay bình đẳng giới, thường thiếu nhân sự có năng lực tổ chức và hiểu biết pháp lý - đúng thế mạnh của cựu công chức. Họ có thể đảm nhận vai trò điều hành dự án, tư vấn chính sách, giám sát ngân sách hoặc đào tạo cộng đồng.

Tuy nhiên, để thành công, họ cần được trang bị kỹ năng đặc thù như viết đề xuất tài trợ, gây quỹ và phát triển cộng đồng. Vì vậy, rất cần xây dựng cơ chế khuyến khích cựu công chức tham gia mạng lưới cố vấn xã hội hoặc hợp tác với tổ chức phi chính phủ địa phương để mở rộng cơ hội việc làm và thực tập chuyển đổi nghề. Điều này không chỉ tận dụng nguồn lực mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xã hội cơ sở.

Công chức, viên chức sau tinh giản không chỉ là nhóm cần hỗ trợ, mà là nguồn lực quý giá với kinh nghiệm phong phú, khả năng linh hoạt và hiểu biết thể chế sâu sắc. Chuyển đổi nghề nghiệp cho họ không đơn thuần là giải pháp tình thế hay chính sách phúc lợi, mà là chiến lược tái cấu trúc thị trường lao động. Nếu triển khai hiệu quả, việc tinh giản biên chế sẽ bổ sung cho khu vực tư nhân và xã hội một đội ngũ chất lượng cao, làm cầu nối giữa nhà nước và thị trường, giữa chính sách và thực tiễn.

Để đạt được điều này, cần sự đồng bộ trong chính sách: từ đào tạo kỹ năng, hỗ trợ vốn, đến xây dựng môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và làm việc tại các tổ chức phi lợi nhuận. Thách thức lớn nhất không nằm ở việc cắt giảm biên chế, mà ở cách tận dụng nguồn lực tinh giản. Nếu không có kế hoạch chuyển đổi rõ ràng, nguy cơ lãng phí nhân tài là hiện hữu.

Ngược lại, với chiến lược đúng đắn, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam vừa tinh gọn bộ máy, vừa thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Cựu công chức, viên chức khi được hỗ trợ để thích nghi sẽ thành động lực mới cho thị trường lao động, góp phần vào sự chuyển mình của đất nước.