Cuộc hành quân giải phóng mang sứ mệnh lịch sử và khát vọng hòa bình
Năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn quyết định. Sau Hiệp định Paris 1973, dù hòa bình được lập lại trên danh nghĩa, miền Nam Việt Nam vẫn chìm trong khói lửa bởi những hành động phá hoại hiệp định của chính quyền Sài Gòn. Khát vọng thống nhất non sông, khát vọng hòa bình thực sự đã nung nấu trong tim hàng triệu người con đất Việt suốt hơn hai thập kỷ chia cắt. Trước tình hình mới, tháng 10/1974 và tháng 1/1975, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, với mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sớm sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26-4-1975). Ảnh: Tư liệu/TTXVN
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi cực kỳ to lớn; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã hoàn toàn chín muồi. Bộ Chính trị cũng đã quyết định tiến hành chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là chiến dịch Hồ Chí Minh, với quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng tư năm 1975.
Cuộc “hành quân vào Nam” năm ấy không đơn thuần là một chiến dịch quân sự. Đó là cuộc hành quân của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, của sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc. Những đoàn quân chủ lực, với sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang địa phương và sự nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, băng rừng, vượt suối, mở đường mà tiến. Hình ảnh người lính Cụ Hồ với chiếc mũ tai bèo, đôi dép cao su, ba lô trên lưng, súng chắc trong tay, tiến về giải phóng Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam đã trở thành biểu tượng bất tử cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Mục tiêu của cuộc hành quân lịch sử này vô cùng thiêng liêng và rõ ràng: đập tan bộ máy chiến tranh và chính quyền tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, hoàn thành sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cuộc hành quân giải phóng đã hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của mình, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam: kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đó là cuộc hành quân kết thúc chiến tranh, mang lại hòa bình, đặt nền móng cho sự phát triển hôm nay.
Cuộc hành quân mừng chiến thắng ca khúc khải hoàn
Lực lượng diễu binh diễu hành lên đường vào Nam phục vụ Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 30/4/2025). Nguồn: Internet
Năm mươi năm sau ngày non sông thu về một mối, đất nước Việt Nam đã thay da đổi thịt. Từ một quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao. Chúng ta đang tự tin vững bước trên con đường xây dựng một Việt Nam phát triển giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng.
Trong bối cảnh đó, hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam chuẩn bị “hành quân vào Nam” để tham gia các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) mang một ý nghĩa hoàn toàn mới. Đây không còn là cuộc hành quân trong khói lửa đạn bom, mà là cuộc hành quân của hòa bình, của niềm tự hào dân tộc, của sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.
Cuộc “hành quân” này không chỉ là sự biểu dương sức mạnh quân sự của một quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; mà còn là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh của niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của đất nước.
Hình ảnh người lính hôm nay, trong bộ quân phục chỉnh tề, với vũ khí trang bị hiện đại, tham gia diễu binh mừng ngày chiến thắng, là biểu tượng sống động cho thành quả của 50 năm hòa bình, xây dựng và phát triển. Họ không chỉ kế thừa truyền thống vẻ vang “Bộ đội Cụ Hồ”, mà còn mang trong mình trí tuệ, bản lĩnh của thời đại mới, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển thịnh vượng. Cuộc hành quân mừng chiến thắng là khúc ca khải hoàn, khẳng định giá trị của hòa bình và sức mạnh bảo vệ nền hòa bình đó.
Sợi chỉ đỏ lịch sử từ giải phóng đến kiến tạo thịnh vượng
Nhìn lại hai cuộc “hành quân Nam tiến” cách nhau nửa thế kỷ, chúng ta thấy rõ sự khác biệt về bối cảnh, nhiệm vụ trực tiếp, nhưng sâu sắc hơn cả là tính liên tục, sự kế thừa, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử. Cả hai cuộc hành quân đều do Quân đội Nhân dân Việt Nam thực hiện – một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cả hai đều hướng về miền Nam ruột thịt, thể hiện ý chí thống nhất và tình cảm Bắc – Nam một nhà không gì lay chuyển nổi. Nếu cuộc hành quân 1975 hiện thực hóa khát vọng thống nhất, thì cuộc hành quân 2025 là sự khẳng định, bảo vệ và tôn vinh thành quả của sự thống nhất đó.
Từ vai trò chủ lực trong đấu tranh giải phóng dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay tiếp tục là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng đất nước. Sức mạnh được biểu dương trong lễ kỷ niệm 50 năm không chỉ là sức mạnh quân sự thuần túy, mà còn là sức mạnh chính trị, tinh thần, là kết tinh của truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà đất nước đạt được. Đó là sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập và phát triển, xây dựng một tương lai thịnh vượng. Đó là khúc ca khải hoàn được viết tiếp bởi thế hệ hôm nay, trên nền tảng vững chắc được xây đắp từ xương máu và mồ hôi của các thế hệ cha anh./.