Điểm phục vụ hành chính công Hoàng Mai (Hà Nội), các chuyên viên nhiệt tình hướng dẫn người dân làm thủ tục. (Ảnh HẢI MIÊN)
Việc bổ sung thẩm quyền ban hành VBQPPL cho cấp xã thực sự cần thiết để thay thế thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp huyện trong bối cảnh mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7/2025.
Thách thức lớn
Là đơn vị hành chính gần dân nhất, cấp xã hiểu rõ nhất các vấn đề, nhu cầu và đặc thù riêng của địa phương mình. Việc được trao thẩm quyền ban hành VBQPPL trực tiếp sẽ giúp cấp xã giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng sát hơn với yêu cầu từ thực tiễn cơ sở; không cần chờ đợi sự phân cấp hoặc hướng dẫn chi tiết từ cấp trên, từ đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý địa bàn. Việc này sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình hành chính, giảm các bước trung gian, qua đó có thể tinh gọn bộ máy.
Tuy nhiên, cũng cần nhận diện đầy đủ những rủi ro có thể phát sinh từ quy định về mở rộng thẩm quyền nói trên. Trước khi kết thúc kỳ họp thứ 9 vào cuối tháng 6/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua một số lượng văn bản pháp quy khổng lồ: 34 dự án luật, bộ luật và 11 nghị quyết. Đó là chưa kể các luật sử dụng kỹ thuật “1 luật sửa nhiều luật” như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến đầu tư, tài chính, hải quan; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, Luật Phá sản; Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật trong lĩnh vực an ninh quốc phòng…
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy, hệ thống văn bản pháp luật hiện nay đã có tới hơn 5.000 văn bản, chưa kể hàng chục ngàn văn bản do các địa phương ban hành. Chỉ riêng việc cập nhật, nắm bắt các quy định mới, để từ đó thiết kế, ban hành VBQPPL với nội dung, trình tự thủ tục đúng pháp luật đã là thách thức không nhỏ đối với cán bộ công chức cấp xã. Trong khi đó, ngay cả khi chưa trao thẩm quyền này cho cấp xã, thì chất lượng VBQPPL, nhất là số văn bản do địa phương ban hành cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đánh giá tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, cơ quan soạn thảo cho biết, tính từ ngày 1/7/2016 đến ngày 31/12/2023, các địa phương đã ban hành gần 91.000 VBQPPL. Theo kết quả kiểm tra văn bản pháp luật của Bộ Tư pháp, trung bình mỗi năm có khoảng 400-500 văn bản bị kết luận có sai thẩm quyền/nội dung, chủ yếu từ cấp chính quyền địa phương. Riêng quý 1/2024, Bộ Tư pháp kiểm tra 455 văn bản, bao gồm 393 văn bản địa phương, phát hiện 35 VBQPPL địa phương sai phạm về nội dung/thẩm quyền…
Kết quả rà soát cho thấy những hạn chế nhất định trong ban hành, kiểm soát chất lượng văn bản địa phương; khẳng định những lo lắng chính đáng khi trao quyền ban hành VBQPPL cho cấp xã, dù vẫn biết đây là cấp xã “tăng cường” - được bổ sung nguồn từ nhiều cán bộ tỉnh, huyện. Đó là chưa kể đến khả năng phát sinh tiêu cực.
Hỗ trợ cấp xã “vươn mình”
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL đã có sự điều chỉnh theo hướng quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền ban hành VBQPPL của cấp xã theo hướng cho phép cả HĐND cấp xã và UBND cấp xã được ban hành VBQPPL trong phạm vi trách nhiệm của mình, phù hợp với chức năng mới của cơ cấu chính quyền địa phương hai cấp. Tuy nhiên, Luật không còn quy định quyền “phân cấp” cho cấp xã như dự kiến ban đầu. Quyền “phân cấp” VBQPPL được giữ lại ở HĐND cấp tỉnh, còn cấp xã chỉ được ban hành VBQPPL trong phạm vi luật và nghị quyết đã giao.
Bên cạnh đó, nhìn nhận rõ nguy cơ “pháp luật chồng chéo, rườm rà, mơ hồ và khó khăn trong tiếp cận”, gây chi phí tuân thủ lớn cho người dân, doanh nghiệp và gây khó khăn cho hệ thống hành chính, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh khi phát biểu trước Quốc hội đã cho biết, sẽ tiến hành thực hiện hợp nhất VBQPPL, tái cấu trúc hệ thống pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch, dễ tra cứu; phân định rõ văn bản nào còn hiệu lực. Ông cũng khẳng định, cơ chế sử dụng nghị quyết của Quốc hội thay thế luật chỉ là giải pháp tình thế hiện nay, về lâu dài sẽ nghiên cứu tổng thể, toàn diện để luật hóa. Điều này sẽ giúp đội ngũ cán bộ công chức cũng như người dân, doanh nghiệp dễ dàng hơn trong nhận thức và vận dụng pháp luật.
Đồng thời, cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về kiến thức pháp luật, kỹ năng soạn thảo, thẩm định và kỹ thuật ban hành văn bản cho cán bộ cấp xã. Với chế độ hỗ trợ dành cho đội ngũ trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật và pháp chế quy định tại Nghị quyết số 66‑NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 197/2025/QH15 (quy định các cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật), đội ngũ cán bộ pháp chế có thêm động lực để nâng cao năng lực, kỹ năng lập pháp của bản thân.
Và tất nhiên, những công việc đã và đang thực hiện cần được tiếp tục với sự chặt chẽ, cẩn trọng cao hơn ở tất cả các khâu, từ kiểm tra, giám sát đến thẩm định hoạt động ban hành VBQPPL nói chung và của cấp xã nói riêng. Cùng với đó là thiết lập kênh để tiếp nhận kịp thời ý kiến phản hồi từ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội về những vướng mắc, bất cập của VBQPPL do cấp xã ban hành để nghiên cứu và có sự điều chỉnh phù hợp.
Về phần mình, chính quyền cấp xã có thể phát huy tính năng động, sáng tạo, tìm tòi những cách thức khác nhau để minh bạch hóa quá trình xây dựng chính sách như công khai thông tin về các dự thảo và quy trình ban hành VBQPPL, tạo điều kiện tăng cường sự tham gia và giám sát của cộng đồng; đưa ra quy phạm thử nghiệm cho các sáng kiến hoặc nội quy cộng đồng trước khi ban hành chính sách.
Nếu phân quyền mà không đi kèm cơ chế giám sát và kiểm tra hiệu quả, một số cán bộ cấp cơ sở (vốn có những liên hệ mật thiết, thậm chí có quan hệ họ hàng thân thích với đối tượng chịu sự điều chỉnh của VBQPPL), có thể cố ý ban hành những văn bản “lỗi”.