(VNTV). Sau 06 năm thực hiện, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” thực sự là chỉ dẫn, định hướng quan trọng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện sứ mệnh bảo vệ những giá trị cốt lõi, đúng đắn đã trở thành lẽ sống, niềm tin của dân tộc Việt Nam.

1. Lịch sử Việt Nam từ khi có Đảng cho đến nay đã minh định một chân lý: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, một chính đảng cách mệnh thực sự trong sạch, vững mạnh là bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển của đất nước và sự trường tồn của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ Đảng, bảo vệ tính chính danh, cầm quyền chính đáng của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh gắn với đấu tranh triệt để, không khoan nhượng với các luận điệu sai trái, thù địch chính là vấn đề hệ trọng của đất nước, gắn liền với sứ mệnh, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên.

Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địh đã đạt được những kết quả quan trọng. Những thành công mà việc thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII có thể kể đến chính là bằng sự nghiên cứu lý luận và thực tiễn xây dựng đất nước, chúng ta đã bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này đã góp phần giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân với Đảng; qua đó làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử bất mãn, cơ hội, đặc biệt là trên mặt trận tư tưởng – lý luận.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là sứ mệnh của mỗi cán bộ, đảng viên

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã góp phần củng cố niềm tin chính trị cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tạo ra xung lực mới đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cộng đồng quốc tế và bè bạn thế giới cũng đã hiểu sâu sắc hơn về chủ thuyết cũng như đường lối xây dựng đất nước, đối ngoại của Việt Nam; thấy rõ hơn về quyết tâm chính trị trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta. Từ đó càng thêm tin tưởng, ủng hộ, hợp tác với Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế.

Để có được những thành công đó, Đảng Cộng sản Việt Nam, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã sớm nhìn nhận những nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, đến sự phát triển của đất nước trên bình diện tư tưởng – lý luận. Từ đó, Đảng đã xác quyết đúng đắn những mục tiêu, nhiệm vụ, phương thức, biện pháp đấu tranh phù hợp trong bối cảnh mới để bảo vệ và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, gắn với nhiệm vụ công tác đặc thù của đơn vị. Đặc biệt, ý thức trách nhiệm, sự tham gia của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc nghiêm túc nghiên cứu và thể tư duy lý luận chính trị sắc sảo, tính chiến đấu thuyết phục để bảo vệ những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như thực tiễn lãnh đạo đất nước của Đảng đã tạo nên những thành công quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và thành công đã đạt được, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch luôn phải đối mặt với muôn vàn thách thức từ thực tiễn nảy sinh. Trước hết, đó là sự phức tạp cũng như những biến động của tình hình thế giới, khu vực tiềm ẩn nhiều nhân tố bất ổn, khó dự lường sẽ tác động không nhỏ đến sự phát triển của đất nước cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam. Sự phát triển của mạng xã hội với đầy rẫy các luồng thông tin đa chiều, đôi khi ranh giới giữa sự thật và giả dối rất mong manh khiến cho nhiều người dễ bị dẫn dắt theo các luồng thông tin xấu, độc nếu không đủ tỉnh táo và am hiểu. Vấn nạn tham nhũng, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được ngăn chặn và đẩy lùi triệt để sẽ là mầm mống, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, làm xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên thờ ơ, bàng quan với tình hình đất nước, với những vấn đề hệ trọng mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc đang chung sức thực hiện. Sự chống phá của các thế lực thù địch, các phần tử bất mãn, cơ hội trên mặt trận tư tưởng – lý luận ngày càng tinh vi, bài bản, trong đó có những “cây viết” có trình độ, am hiểu về chính trị và thực tiễn đời sống nhưng luôn lèo lái dư luận vì mục đích cá nhân, động cơ không trong sáng. Sự thụ động, chậm đổi mới để bắt nhịp với những biến đổi của đời sống trong việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của một số đơn vị, tổ chức; sự sao nhãng, “tự bằng lòng” của một số cán bộ, đảng viên trong hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tâm lý hoài nghi, dao động của một bộ phận cán bộ, đảng viên trước những thay đổi của đời sống chính trị đất nước và những quyết sách mới của Đảng khi chưa được thực tiễn kiểm chứng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW hiện nay.

Thực tế đó đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và tự thân mỗi cán bộ, đảng viên cần ý thức sâu sắc và phát huy hơn nữa trách nhiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch.

2. Để thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới, mỗi cán bộ, đảng viên phải xem đây là một cuộc đấu tranh liên tục, không ngừng nghỉ, không chỉ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng mà con phải làm giàu thêm tri thức khoa học, lý luận về nền tảng tư tưởng của Đảng. Điều này chỉ có thể có được khi mỗi cán bộ, đảng viên phải biết tự mình nghiên cứu, học tập lý luận; áp dụng lý luận vào thực tiễn đời sống để vừa kiểm chứng, vừa soi xét những điểm còn chưa phù hợp, chưa bắt kịp xu thế của thời cuộc hiện nay. Đây cũng chính là cơ sở, chất liệu quan trọng để Đảng tiếp tục nghiên cứu, đề ra đường lối, chủ trương phù hợp nhằm hiện thực hóa khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên cũng cần ý thức rằng: việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW không chỉ là việc đấu tranh với các thế lực thù địch mà còn là cuộc đấu tranh ngay chính trong nội bộ của những người đảng viên, đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong đội ngũ của mình. Cần nâng cao tính phê và tự phê, nhận diện và ngăn ngừa “từ sớm, từ xa” những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, hoài nghi vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc. Đây chính là những mầm mống, nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, là mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, nhận thức.

Cuối cùng, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải hiểu sâu sắc một điều: Nghị quyết số 35-NQ/TW đưa ra không chỉ nhằm mục tiêu đấu tranh, đánh bại các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng – lý luận mà con hướng đến một mục tiêu cao cả hơn là bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi, ngọn nguồn cho sự phát triển đất nước, cho sự trường tồn của dân tộc. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, bằng năng lực tư duy và những phẩm chất đạo đức của mình không chỉ phản bác có hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc mà còn phải thức tỉnh nhân tâm, thức tỉnh được nhận thức, lương tri của những phần tử cơ hội, chống phá bằng việc khẳng định và minh chứng những giá trị cao đẹp, tiến bộ và nhân văn trong nền tảng tư tưởng của Đảng và hiện thực khách quan của đất nước có được từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Chính hiện thực và tương lai tươi sáng, đầy triển vọng của đất nước là lời khẳng định đanh thép, là luận cứ xác đáng cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được thực hiện triệt để và bền vững trước những thách thức to lớn trong bối cảnh hiện nay./.