Cam kết chính sách
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nông nghiệp xanh là mô hình phát triển tối đa nguồn nông nghiệp sạch, từ đó cho ra một mô hình nông nghiệp phát triển một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường xanh sạch.
Ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn. Do vậy, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, các bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu là xu hướng tất yếu hiện nay.
Ngành nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh.
Những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược về phát triển bền vững, như: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết rất mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Hưởng ứng cam kết của Chính phủ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững. nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp.
Năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững...
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Cùng với chuyển đổi 300.000 ha đất lúa sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn về kinh tế và môi trường, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.
Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các mô ình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Bộ cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng xanh, sinh thái; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái; chuyển đổi số và đổi mới công nghệ để sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Phát triển theo xu thế mới
Một trong những cách thức canh tác của nông nghiệp xanh chính là sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mô hình này đã và đang được phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm nay. Trong đó, đã có 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai nông nghiệp hữu cơ, với 240.000 ha diện tích canh tác. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ.
Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Một phần hình thức nguồn thức ăn cho vật nuôi, một phần chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường.
Nhiều địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đẩy mạnh mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn
Cùng đó là các mô hình nuôi trồng kết hợp như lúa - tôm, lúa - cá… đang trở thành những điển hình về thích nghi với biến đổi khí hậu, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này không những nâng cao giá trị sản xuất, mà còn giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Ngành thủy sản đã và đang hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện môi trường. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chuyển đổi xanh trong ngành thủy sản có 3 mục tiêu cốt lõi, bao gồm: mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững; quản lý hiệu quả tất cả nghề cá; nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản.
Điển hình như tỉnh Kiên Giang cũng nhanh chóng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện Hòn Đất, tổng diện tích vùng dự án khoảng 5.500 ha, thực hiện từ 2023 - 2026 với tổng mức đầu tư 624 tỷ đồng. Tương tự, tỉnh Cà Mau cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất, giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng. Tỉnh Cà Mau hiện có trên 27.500 ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn, trong đó có hơn 19.000 ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…).
Sản phẩm nông nghiệp, thủy sản sạch, truy xuất được nguồn gốc đang dần mở rộng thêm thị trường. Theo thống kê của ngành chuyên môn, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam được xuất khẩu thành công sang 180 thị trường trên thế giới, bao gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Hàn Quốc, Nga, Singapore,…
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Đồng thời hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường./.