Làm gì để việc sáp nhập các địa phương không làm mất đi những giá trị văn hóa cốt lõi của một vùng đất và những yếu tố mang tính hồn cốt của cộng đồng? Và, làm thế nào để địa phương mới phát triển mà không phai nhạt dấu ấn văn hóa của vùng miền cũng là một thách thức?
Văn hóa không phải là thứ có thể đong đếm bằng con số cụ thể, mà là linh hồn của mỗi miền quê, là những phong tục, tập quán, câu chuyện được truyền từ đời này sang đời khác. Một miền quê nhỏ từng gắn bó với hội làng bao năm, giờ trở thành một phần của một xã lớn hơn, liệu hội làng ấy có còn được duy trì? Một dòng họ từng là niềm tự hào của cả vùng, nay liệu những giá trị ấy có phôi pha? Đó cũng là điều mà nhiều người băn khoăn khi sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp huyện và sáp nhập hơn một nửa số xã hiện có trên toàn quốc.
Dù đến thời điểm này, Quốc hội chưa thông qua danh sách chính xác, nhưng con số dự kiến cả nước còn 34 tỉnh, thành với khoảng 5.000 đơn vị hành chính cấp xã thì hầu như nhiều người đã biết.
Các chuyên gia cho rằng khi không gian hành chính được mở rộng, việc quy hoạch bài bản, nguồn lực sẽ được tập trung hơn, công tác bảo tồn văn hóa cũng có điều kiện được đầu tư tốt hơn. Những di sản từng bị lãng quên có thể được đầu tư để trở thành điểm đến văn hóa, những nghệ nhân từng hoạt động trong phạm vi làng xã thì nay có cơ hội thể hiện tài năng trên một sân khấu rộng lớn hơn với lượng công chúng đông đảo hơn. Nếu có chính sách đúng đắn và sự chung tay của cộng đồng, việc sáp nhập không làm mất đi bản sắc, mà sẽ mở ra không gian để bản sắc ấy tỏa sáng.
Văn hóa sẽ không mất đi vì thay đổi địa giới hành chính mà chỉ mất đi nếu chúng ta không có ý thức bảo tồn. Cần những bàn tay nắm giữ các giá trị truyền thống, để dù tên làng, tên xã có đổi thay, thì hồn quê vẫn mãi mãi vẹn nguyên cùng các lễ hội; khi các làn điệu dân ca được cất lên; khi mỗi ngôi đình, ngôi chùa vẫn có người thành tín tìm về.
Trách nhiệm của chính quyền là xây dựng chính sách phát triển văn hóa phù hợp, để văn hóa không chỉ được nhìn nhận như một di sản của quá khứ mà còn là nguồn lực phát triển trong tương lai. Cần phải có cơ chế để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời dành nguồn lực đầu tư đúng mức để các thiết chế văn hóa địa phương không bị xóa nhòa trong một bức tranh chung lớn hơn. Đồng thời, tạo ra không gian rộng mở hơn để văn hóa địa phương thích nghi, phát triển trong bối cảnh mới.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính, nếu nhìn từ góc độ văn hóa, không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại bản đồ địa giới, mà còn là cơ hội để sắp đặt những thiết chế văn hóa một cách hiệu quả. Những nhà văn hóa, những thư viện từng bị lãng quên, khó hoạt động vì nhỏ lẻ, nay có thể là trung tâm sinh hoạt văn hóa nhộn nhịp, thành nơi nuôi dưỡng tri thức cho nhiều thế hệ nhờ nguồn lực đầu tư được tập trung; cho phép quy hoạch lại hệ thống bảo tàng, nhà hát, trung tâm sáng tạo văn hóa một cách bài bản hơn để các nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian có điều kiện sáng tác, biểu diễn; người dân được tiếp cận những hoạt động văn hóa chất lượng hơn.
Điều quan trọng là tư duy quản lý phải thay đổi để các chính sách phát triển văn hóa được thực thi đồng bộ, hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng chồng chéo, manh mún như trước. Nhờ đó mà công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa cũng sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Sáp nhập các đơn vị hành chính là việc phải làm và làm lâu dài, làm vì yêu cầu của sự phát triển bền vững. Do đó, cần có một chiến lược dài hạn, văn hóa phải được đặt ở vị trí trung tâm của quá trình sáp nhập. Không vì chỉ lo giảm được bao nhiêu người hưởng lương mà quên đi những ngôi đình, ngôi chùa cổ, những lễ hội truyền thống và những làn điệu dân ca mang đậm hồn đất, hồn người.