Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Thái được biết đến như là một cộng đồng có đời sống văn hoá phong phú, với những nghi thức, lệ tục mang đậm bản sắc. Trong đó nghi thức “tẳng cẩu” (búi tóc cô dâu) khi thiếu nữ đi lấy chồng của người Thái Đen ở Tây Bắc là một trong những đặc trưng văn hoá chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân sinh.

Tằng cẩu hay búi tóc trên đỉnh đầu là một luật tục của đồng bào dân tộc Thái Đen. Ảnh: Internet

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Thái đã xây dựng được một xã hội có tổ chức chặt chẽ từ rất sớm. Xã hội của họ đã phát triển đến giai đoạn phong kiến sơ khai, thể hiện qua việc hình thành các đơn vị lãnh thổ tự chủ gọi là "bản mường". Các bản mường này sau đó trở thành một phần của nhà nước phong kiến Việt Nam. Người Thái ở Việt Nam được nghiên cứu và biết đến trên nhiều phương diện, nhưng có thể khẳng định văn hoá là những vẻ đẹp đặc trưng nhất khi nói về cộng đồng này. Từ kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, cho đến các lễ hội, câu hát, điệu múa... đều thể hiện sự tinh tế, phản ánh tâm hồn, trí tuệ và lẽ sống của Người Thái ở Việt Nam. Ở vùng Tây Bắc nước ta, dân tộc Thái được chia thành 02 nhánh là Thái Trắng và Thái Đen (sự phân biệt chủ yếu dựa trên sự khác biệt về ngữ điệu trong ngôn ngữ, trang phục và một số nghi thức nhất định).

Trong tục cưới hỏi của người Thái Đen ở Tây Bắc, có một nghi thức rất quan trọng không thể thiếu, đó là “tẳng cẩu” (búi tóc cô dâu), đôi nam nữ chỉ được chính thức trở thành vợ chồng khi đã thực hiện xong nghi thức này, dù trước đó đã tổ chức lễ vu quy. Việc búi tóc trên đầu của cô dâu Thái được chúng ta biết đến như là đặc điểm cơ bản để phân biệt giữa “hoa đã có chủ” với các thiếu nữ khác. Nhưng đó, mới chỉ là quan niệm trên bình diện cảm quan so sánh, bởi đằng sau nghi thức “tẳng cẩu” còn ẩn chứa cả một hệ giá trị triết lý nhân sinh của người Thái cổ truyền. Để thực hiện nghi thức “tẳng cẩu” cho cô dâu, nhà trai sẽ cử 2 hai người phụ nữ am hiểu về nghi lễ cưới hỏi gọi là “bà lam” (gần tương tự người mai mối) đến nhà cô dâu để thực hiện nghi thức búi tóc này. Tuỳ theo điều kiện và sự thống nhất của hai họ trai, gái mà có “sính lễ” mang theo, nhưng có một thứ nhà trai không được thiếu đó là búi tóc rời (tiếng Thái gọi là “Chọng”) được mẹ của chú rể chuẩn bị, để cuộn cùng tóc cô dâu búi lên thành “cẩu”. Về điều này chúng ta thấy tương tự như quan niệm “kết tóc xe duyên” của người xưa.

Nghi thức búi tóc cô dâu Thái. Ảnh: Internet

“Bà lam” đại diện cho nhà trai sẽ vừa “tẳng cẩu” cho cô dâu vừa hát những câu hát có nội dung nói về ý nghĩa nhân sinh của búi tóc trên đầu - “tẳng cẩu” như: (1) “Tẳng cẩu” để biết mình sẽ mang trách nhiệm và vai trò của người xây tổ ấm “mai nừng vạy pay hay lom à, mai nừng vạy pay na lom nọng” (để biết cùng cô đi nương, để biết đường đưa em đi ruộng); (2) “Tẳng cẩu” lên để mình tự biết mình đã là “hoa có chủ”, không được một dạ hai lòng, đứng núi này trông núi nọ mà phải thuỷ chung trọn đời, trọn kiếp với chồng; (3) “Tẳng cẩu” hay còn có ý nghĩa là dựng, xây – dựng nhà, để nói lên những vất vả của hành trình phía trước, nhưng cũng bao hàm cả trái ngọt cho cặp vợ chồng trẻ hình thành quyết tâm cùng chung sức, chung lòng xây hạnh phúc. Vì vậy, từ khi “tẳng cẩu” cho đến trọn đời, cô dâu không được buông mái tóc xuôi xuống đằng sau để chải, mà phải cúi đầu về đằng trước để chải tóc, khi cúi đầu về đằng trước, sẽ phải vươn tay lên để chải, thể hiện sự nâng niu và tôn thờ đối với “búi tóc” cũng như tổ ấm của mình; (4) “Tẳng cẩu” còn được coi là “bùa hộ mệnh” cho gia đình, đặc biệt là với chồng và con. Vì vậy, theo quan niệm của người Thái trước đây, người phụ nữ sẽ chỉ bỏ “búi cẩu” xuống khi chồng không còn sống. Cũng có một số người phụ nữ “chưa chồng mà chửa” cũng sẽ tự “tẳng cẩu” lên với ý niệm che chở cho đứa con trong bụng.

Tặng mũ bảo hiểm đặc biệt thiết kế riêng cho phụ nữ Thái. Ảnh: dantri

Hiện nay, do đặc thù môi trường làm việc, nhịp độ hối hả của cuộc sống và lối suy nghĩ của con người hiện đại, có nhiều người phụ nữ đặc, biệt là giới trẻ không muốn và không “tẳng cẩu” dù đã có chồng. Có nhiều lý do khác nhau, một trong số đó là tốn thời gian, bất tiện khi tham gia giao thông, trong thực hiện công việc... Dù là vì bất kỳ lý do gì, nhưng điều này nói lên một khả năng, những giá trị truyền thống sẽ chỉ còn được tìm thấy trong những hồi ức và câu chuyện kể ở những đời sau, nếu như chúng ta không biết gìn giữ. Để góp phần bảo tồn nét đẹp văn hoá và triết lý nhân sinh của nghi thức “tẳng cẩu” cũng như các giá trị truyền thống khác trong đời sống cư dân Thái, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực để giữ gìn nghi thức “tẳng cẩu” của cô dâu người Thái, như có kế hoạch sản xuất và tặng mũ bảo hiểm chuyên dụng cho người phụ nữ Thái để tham gia giao thông, khôi phục lại việc bồi dưỡng chữ viết và văn hoá Thái cho cán bộ vùng có đồng bào Thái sinh sống và cho thế hệ trẻ. Các văn kiện của Đảng ta luôn nhất quán chủ trương xây dựng một “nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, một trong các đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, xác định phát triển văn hoá là nền tảng của xã hội, coi văn hoá là sức mạnh nội sinh của dân tộc để hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.