Hai mặt trận của ngư dân
Việt Nam là quốc gia ven biển, có các vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng với trên 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ xưa đến nay, biển, đảo của nước ta là kế sinh nhai của hàng triệu người dân ven biển, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng yếu để bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của Tổ quốc.
Trong cơ cấu nền kinh tế nước ta hiện nay, ngành thủy sản có một đóng góp không nhỏ, là một trong những ngành mũi nhọn góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2024 đạt hơn 10 tỷ USD.
Trong bối cảnh năng lực sản xuất thủy sản của nước ta ngày càng phát triển với hàng trăm nghìn tàu cá, lĩnh vực này đã và đang dần giúp nhân dân nâng cao đời sống cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ đảm nhiệm vai trò về phát triển kinh tế, ngư dân trên biển cũng là những “cột mốc” giữa trùng khơi, góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo. Nói cách khác, ngư dân là lực lượng tối quan trọng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trên biển.
Trong đó, mô hình tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự trên biển đã giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các vấn đề liên quan đến biển, đảo, quyền và trách nhiệm của ngư dân khi khai thác trên biển. Các tổ ngư dân trở thành kênh thông tin quan trọng giúp Bộ đội Biên phòng kịp thời giải quyết các tình huống xảy ra trên biển cũng như trong trường hợp xuất hiện tàu lạ, vật thể lạ, hoạt động xâm phạm chủ quyền.
Mô hình “tổ tự quản tàu thuyền an toàn” trên biển đã và đang là điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi làm giàu từ biển.
Theo số liệu của Bộ đội Biên phòng, cả nước hiện có trên 3.000 "Tổ tự quản tàu thuyền an toàn", với 77.134 thành viên, 916 bến bãi an toàn. Nhiều tỉnh, thành phố xây dựng tốt mô hình như như Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng...
Bởi lẽ, những hành động khiêu khích của các thế lực bên ngoài đã và đang quấy phá trên hải phận nước ta. Năm 2024, tàu cá QNg 95739 TS bị tàu nước ngoài tấn công tại vùng biển Hoàng Sa khiến nhiều ngư dân bị thương, tài sản bị cướp phá. Năm 2023, tàu cá QNg 90495 TS cũng bị các đối tượng dùng vòi rồng tấn công rồi lấy ca nô áp sát tấn công làm ngư dân bị thương và hư hỏng tài sản. Năm 2019, tàu mang số hiệu QNa 91441 TS cũng bị cướp sạch thành phẩm khi đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Hợp lực
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ tối đa ngư dân. Có thể kể đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng phát triển toàn bộ nền kinh tế biển nước ta. Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng tàu vỏ thép và vỏ composite có công suất lớn, giúp bà con đi biển dài ngày, vươn khơi xa và yên tâm hơn.
Cùng với đó là Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Ngân hàng ở các tỉnh, thành phố ven biển đã đồng hành cùng các ngư dân, giúp ngư dân tiếp cận nhanh chính sách, các khoản hỗ trợ, mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá để khai thác hiệu quả hơn.
Sâu sát hơn, nhiều địa phương đã hỗ trợ ngư dân mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, hỗ trợ tiền cước thuê bao dịch vụ giám sát hành trình... để tiện trao đổi thông tin với lực lượng chức năng, đặc biệt khi thời tiết xấu hoặc xảy ra biến cố.
Từ Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, sau chuyến biển, người dân có thể đến cơ quan chức năng nhập sổ nhật ký khai thác, không để dồn chuyến, bởi mỗi chuyến có hành trình khai thác khác nhau. Qua đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ xăng dầu ra khơi, yên tâm bám biển và không vi phạm chủ quyền khai thác ở nước bạn.
Các lực lượng như cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng luôn đồng hành với ngư dân trên từng hải lý, là điểm tựa tinh thần vững chắc để bà con ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển. Các đơn vị chức năng cùng với ngư dân tạo thành một thế trận vững chắc để bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo thiêng liêng; thường xuyên duy trì chế độ trực 24/24 giờ; phối hợp các lực lượng sẵn sàng nhân lực, phương tiện bảo đảm xử trí kịp thời các tình huống; triển khai thực hiện tốt các chương trình đồng hành cùng ngư dân; kịp thời nắm bắt, hỗ trợ những gia đình ngư dân gặp khó khăn trong đời sống, sản xuất.
Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên, kịp thời lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mỗi khi có thông tin ngư dân bị các đối tượng tấn công, Bộ luôn lên tiếng phản đối mạnh mẽ các hành vi này. Việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải, tự do hàng không, hàng hải trong khu vực phải phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam đề nghị hoạt động của các bên liên quan phải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu đó.
Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam luôn sát cánh cùng ngư dân.
An tâm ra khơi, bám biển là nguyện vọng của ngư dân. Đây cũng là mong muốn của các cấp, các ngành, để đồng hành cùng bà con trong hành trình phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền. Nhiều buổi đối thoại đã được tổ chức với tinh thần dân chủ, thẳng thắng, cởi mở và trách nhiệm để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ngư dân. Từ đó, có thể sâu sát hơn tình hình triển khai cơ chế, chính sách như hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề trong khai thác, nuôi trồng hải sản; kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; cơ chế chính sách và kinh phí hỗ trợ cho ngư dân và tàu thuyền bị tai nạn, rủi ro trên biển; cơ chế nạo vét thông luồng để tạo điều kiện cho người dân bám biển; đầu tư xây dựng kè chống sạt lở. Đáp lại, nhiều địa phương sẵn sàng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của bà con ngư dân, đồng thời xin tiếp thu đầy đủ những trăn trở chính đáng của bà con.
Với mỗi ngư dân, từng chuyến ra khơi đều là hơi thở cuộc sống đan xen niềm tự hào dân tộc khi khai thác ngay trên vùng biển quê hương với lá cờ đỏ sao vàng gắn mạn thuyền phấp phới. Đây cũng là truyền thống của cha ông để lại, và cũng là cơ hội cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế cả nước. Nhận thức rõ điều thiêng liêng đó, các thế hệ ngư dân ngày nay luôn quyết tâm vươn mình nơi đầu sóng, ngọn gió.