Tại phường Tân Bình, nhiều thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn nhờ ứng dụng công nghệ số đồng bộ từ ngày 1/7.
Cần áp dụng nhân lực số
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, để mô hình chính quyền hai cấp vận hành trơn tru, thông suốt, cần tăng tốc đầu tư hạ tầng, bổ sung nhân sự và cấp đủ thiết bị số cho cán bộ tại địa phương. TP Hồ Chí Minh đã có cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 để tăng thu nhập, thu hút chuyên gia và điều động cán bộ linh hoạt giữa các địa phương. Đây là chính sách hỗ trợ rất hiệu quả cần tiếp tục triển khai, nhất là trong hoàn cảnh cán bộ phường, xã đã tăng lên, khối lượng công việc cũng tăng theo...
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị không thu phí khi người dân cập nhật địa chỉ trên các giấy tờ như bảo hiểm y tế, thẻ ngân hàng, hợp đồng thuê nhà… để người dân thoải mái khi chuyển đổi thông tin cá nhân trên nền tảng số. Mặt khác, sau khi sáp nhập, dữ liệu trên các ứng dụng như VNeID cũng đã được đồng bộ, người dân không phải tự đi đổi thông tin, giảm bớt phiền hà về các thủ tục hành chính cho người dân.
Ở góc độ học thuật, ông Vũ Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đề xuất: "TP Hồ Chí Minh cần áp dụng nhân lực số như AI, chatbot, robot để giảm tải công việc cho cán bộ phường, xã sau khi sáp nhập. Không chỉ cán bộ con người, chúng ta cần một lực lượng công chức số để xử lý những việc đơn giản nhưng tốn thời gian như: hướng dẫn, nhập liệu, kiểm tra lỗi... Ngoài ra, với một thành phố đặc thù như TP Hồ Chí Minh, nơi có quy mô kinh tế và dân số lớn nhất cả nước cần cách tổ chức sáng tạo, linh hoạt hơn so với mô hình hiện hành ở các địa phương khác. Vấn đề không phải khoảng cách địa lý mà là cách tổ chức sao cho gọn, nhanh và hiệu quả".
Theo ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, sau thời gian thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp, bước đầu có thể khẳng định đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh thực tiễn hiện nay. Từ việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ nhanh chóng đến khả năng lắng nghe và phản hồi ý kiến người dân, chính quyền đang từng bước chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ”.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây không chỉ là thay đổi về cơ cấu tổ chức, mà quan trọng hơn là sự chuyển biến trong tư duy của đội ngũ cán bộ, lấy người dân làm trung tâm, lắng nghe và giải quyết những vướng mắc, mong muốn chính đáng của người dân. Dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức về hạ tầng, nhân sự và mức độ tiếp cận công nghệ, nhưng nếu duy trì được tinh thần cải cách, kết hợp hài hòa giữa ứng dụng công nghệ, tinh thần trách nhiệm và sự lắng nghe, TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể xây dựng một mô hình chính quyền hiện đại, minh bạch và thực sự gần dân.
Top 5 địa phương dẫn đầu về chính quyền số
Theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số toàn diện, với mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chính phủ số, đồng thời nâng tỷ trọng kinh tế số lên 25% GRDP.
Đây là bước đệm quan trọng hướng đến tầm nhìn năm 2030, khi thành phố đặt mục tiêu hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu đô thị thông minh, phục vụ cho chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và chia sẻ rộng rãi với toàn xã hội.
Dưới góc độ quản lý, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã xác định rõ chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà là động lực then chốt giúp chính quyền nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong lĩnh vực hành chính công, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ như mạng Internet tốc độ cao, hệ thống máy chủ, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng dữ liệu lớn để triển khai các dịch vụ công trực tuyến với độ phủ rộng và hiệu quả thực tế cao.
"Khác với trước đây, chính quyền chỉ tập trung giải quyết thủ tục hành chính công thì nay chúng tôi phải chủ động lắng nghe, tiếp nhận, giải trình và hành động dựa trên phản hồi của người dân. Theo đó, hạ tầng số hiện đại là điều kiện bắt buộc để bảo đảm tính kết nối, minh bạch và tức thời trong công tác điều hành xử lý các dịch vụ công. Hiện nay, tất cả các nền tảng số dùng chung đã được đồng bộ hóa toàn thành phố, từ hệ thống thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình, đến quản lý văn bản điều hành và phản ánh kiến nghị của người dân, đặc biệt là hệ thống 1022", ông Lâm Đình Thắng cho biết thêm.
Theo đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính điện tử cũng liên tục được nâng cấp và tích hợp với các công cụ AI giúp sàng lọc, phân loại và xử lý hồ sơ nhanh chóng, giảm áp lực cho công chức và rút ngắn thời gian phục vụ người dân. Sau khi ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực hành chính công, tính đến nay TP Hồ Chí Minh đã triển khai 344 dịch vụ công trực tuyến toàn phần và hơn 1.200 dịch vụ một phần, cùng với việc công khai 2.231 thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tra cứu, theo dõi và thực hiện từ xa.
Trong khi đó, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh cho biết, sự chuyển biến về chất lượng phục vụ không chỉ đến từ việc ứng dụng công nghệ mà còn nhờ sự thay đổi nhận thức trong đội ngũ cán bộ công chức khi tiếp cận người dân.
“Chúng tôi xác định, chuyển đổi số là con đường ngắn nhất để chính quyền đến gần dân hơn, nên các cán bộ đã chủ động nắm bắt kiến thức công nghệ và áp dụng vào công việc để đạt hiệu quả cao nhất. Hiện tại, tất cả các phản ánh của người dân qua hệ thống 1022 đều được xử lý đúng hạn hoặc trước hạn. Song song với đó, TP Hồ Chí Minh mở rộng các kênh tương tác hai chiều như chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, các fanpage phường, tổ công nghệ số cộng đồng, tổ dân phố và nhiều hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến, tạo nên một mạng lưới lắng nghe, phản hồi và hành động ngày càng hiệu quả hơn", bà Trung Trinh cho biết thêm.
Theo ông Lâm Đình Thắng, đây chính là bước chuyển từ “hành chính phục vụ” sang “hành chính đồng hành”, trong đó người dân và doanh nghiệp không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là đối tác cùng tham gia xây dựng chính quyền số, nơi mà dữ liệu, công nghệ và con người phối hợp chặt chẽ để kiến tạo một đô thị thông minh và phát triển bền vững với nền hành chính công minh bạch, hiện đại, hướng đến người dân...