(VNTV). Tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của Dân, do Dân, vì Dân đặc biệt độc đáo với những giá trị vượt thời đại, đã và đang được Đảng ta kế thừa, vận dụng, phát triển, tiếp tục soi sáng công cuộc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay…

1. Dân tộc Việt Nam ta đã trải qua hơn mấy ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chính lịch sử hào hùng đó đã kết tinh và hình thành nên những giá trị văn hóa chính trị truyền thống tiêu biểu Việt Nam mà trước hết có thể nói đến đó là một nền chính trị yêu nước, thương dân, lấy dân là gốc; là tư tưởng đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do, tự lực tự cường; là nền chính trị đạo lý, tôn trọng chính nghĩa, bảo vệ công lý, đầy ắp tính khoan dung, độ lượng, vị tha; vừa đề cao đức trị vừa đề cao pháp trị,… Tất cả những giá trị, phẩm chất, năng lực đó hợp thành một nền chính trị nhân đạo, nhân văn, tất cả vì con người của văn hóa chính trị Việt Nam.

 Chính phủ Liên hiệp Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra mắt quốc dân đồng bào. Ảnh tư liệu

Để xây dựng tư tưởng về Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước kiểu mới vào điều kiện nước ta; kế thừa truyền thống văn hóa và những kinh nghiệm xây dựng, quản lý nhà nước của ông cha ta, phát triển những yếu tố tích cực, đặc biệt về sự kết hợp giữa tư tưởng “đức trị” với “pháp trị” của các Nhà nước thân dân trong thời kỳ phong kiến hưng thịnh, cùng với sự trải nghiệm, nghiên cứu, khảo sát nhiều cuộc cách mạng, nhiều nhà nước điển hình như Mỹ, Pháp, Liên Xô.... Trong ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện để khám phá kiểu nhà nước tư sản phương Tây như Mỹ, Pháp. Người cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu mô hình Nhà nước Xô Viết, kiểu nhà nước ra đời từ thành quả của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Năm 1919, tại hội nghị Véc-xây, Hồ Chí Minh - lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, đã gửi đến Hội nghị “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” trong đó đáng chú ý hơn ở điều thứ 7, Nguyễn Ái Quốc đòi “thay chế độ ra các sắc lệnh” hiện thân cho phép trị nước không dân chủ  bằng “chế độ ra các đạo luật”, hiện thân cho phép trị nước trong khuôn khổ pháp quyền. Như vậy, bản yêu sách đã thể hiện một định hướng chính trị sâu sắc, mạnh mẽ theo tinh thần dân chủ, pháp quyền. Điều này chứng tỏ Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền như thế nào.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước và hệ thống pháp luật của nước Việt Nam mới, phấn đấu để Nhà nước ta thực sự trở thành Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Mặc dù, Bác không dùng khái niệm nhà nước pháp quyền, nhưng tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã được thể hiện trong vô vàn các bài viết, bài phát biểu của Người về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng pháp quyền để chỉ đạo việc xây dựng bản Hiến pháp đầu tiên. Hiến pháp năm 1946 ra đời mở đầu quá trình phát triển của nền chính trị hiến pháp dân chủ Việt Nam và là nền tảng cho việc phấn đấu xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Trong bài Dân Vận (10 – 1949), khi khẳng định nước ta là nước dân chủ, Người đã gắn vào đó các khái niệm “của dân, do dân, vì dân” để nói lên bản chất của một nhà nước kiểu mới. Quan điểm nhất quán của Hồ Chí Minh là xác lập tất cả mọi quyền lực trong nhà nước và trong xã hội đều thuộc về nhân dân. Tiếp đến, Hiến pháp 1959 là sự kế thừa và phát triển của Hiến pháp 1946, là cơ sở, nền tảng để xây dựng toàn bộ hệ thống pháp luật ở miền Bắc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 Có thể nói, Pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh là pháp quyền nhân nghĩa. Với Hồ Chí Minh, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền của Người không chỉ dừng lại ở các quyền con người được ghi trong các văn bản pháp luật mà còn thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Quyền lực của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân. Đó phải là một nhà nước dân chủ – dân là chủ và dân làm chủ. Đồng thời nhà nước đó phải được vận hành và quản lý bằng pháp luật kết hợp chặt chẽ với việc giáo dục đạo đức.

Đối với một nước dân chủ, Hồ Chí Minh quan tâm tới năng lực làm chủ của người dân. Trước đây, dưới chế độ cũ, bọn thực dân phong kiến tìm cách làm cho dân ngu để dễ trị. Trong chế độ mới, Hồ Chí Minh quan tâm giáo dục lại nhân dân, nâng cao dân trí, làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình: "làm sao cho dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng". Pháp luật cần thiết đối với một nền pháp quyền là pháp luật được xây dựng trên đạo lý, chính nghĩa chung của loài người. Nói cách khác, pháp luật đó phải có một cơ sở đạo đức tiến bộ của nhân loại. Khái quát hóa một cách dễ hiểu hơn cả, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:“Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề làm người, ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức”. Lời Bác nói có thể được hiểu là: Thương nước, thương dân, thương nhân loại chính là cơ sở đạo đức của pháp luật.

Trọn đời Hồ Chí Minh là một cuộc đời giáo dục mọi người làm người, lấy đức làm gốc. Bởi vì, theo Bác dù tài giỏi đến mấy mà không có đức thì không làm được cách mạng. Người luôn quán triệt "Đức trị” phải thống nhất với "Pháp trị”. Sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện ở cách nhìn nhận về xử lý các hành vi phạm pháp, nguyên tắc "có lý","có tình" chi phối mọi hành vi ứng xử của con người, tôn trọng cái lý, đề cao cái tình, tùy từng trường hợp, tình huống cụ thể. Xử lý hành vi vi phạm pháp luật phải kịp thời, nghiêm minh. Pháp luật không loại trừ một ai, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi cái xấu, cái ác, khuyến khích, nâng đỡ, phát huy cái tốt, cái thiện vốn có trong mỗi con người, chứ không đơn thuần trừng phạt, răn đe.

2. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng luôn nêu cao tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, xác định việc ban hành luật pháp phải “lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo”; quy trình làm luật của Quốc hội phải “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”; phải tập trung “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân”; xây dựng nền tư pháp “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ: công lý, quyền con người, quyền công dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”; “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân. Đó là một Nhà nước hoạt động trên tinh thần pháp luật, đề cao pháp luật, quyền lực của Nhân dân được thể chế hóa thành pháp luật và pháp luật trở thành công cụ để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Để đáp ứng được nhu cầu đó, đòi hỏi chúng ta cần phải có một  hệ thống pháp luật tiến bộ, mang đậm nét nhân văn. Trong tất cả mọi lĩnh vực, nguyên tắc này đều được Đảng và Nhà nước ta áp dụng một cách triệt để. Pháp luật Việt Nam luôn hướng đến bảo vệ quyền con người, lấy lợi ích của nhân dân làm mục đích hoạt động của mình; có sự thống nhất giữa đức trị và pháp trị trong tổ chức hoạt động của nhà nước và quản lý nhà nước. Nguyên tắc này càng được biểu hiện cụ thể và sâu sắc hơn trong pháp luật Việt Nam, cũng chính là sự kế thừa, phát triển tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định, nhân đạo là bản chất vốn có của Chủ nghĩa xã hội, là một trong những nguyên tắc hoạt động chính của Đảng và Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tạo nên tư tưởng pháp quyền nhân nghĩa làm nền tảng cho xây dựng và thực thi pháp luật dựa trên đạo lý, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Thiết nghĩ sự nghiệp này chỉ có thể được thực hiện thành công trên nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động là chủ nghĩa Mác – Lênin và việc thấm nhuần, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền nhân nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu không thể thiếu trong công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước ta hiện nay./.