(VNTV). Khát vọng vươn mình, sánh vai với các cường quốc năm châu là động lực mạnh mẽ thôi thúc mỗi người con đất Việt trên hành trình bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là chìa khóa then chốt để Việt Nam bứt phá, vươn tới những tầm cao mới.

"Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, một kỷ nguyên “vươn mình” đầy hứa hẹn, mở ra những cơ hội to lớn. Tuy nhiên, trên con đường vươn tới thành công, đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày càng gia tăng. Bên cạnh những yếu tố khách quan, một thách thức lớn đến từ nội tại: chất lượng nguồn nhân lực. Dù được xác định là quốc sách hàng đầu và luôn nhận được sự quan tâm đổi mới, phát triển từ Đảng và Nhà nước, hệ thống giáo dục và đào tạo vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định.

Cụ thể, hệ thống giáo dục hiện tại chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động năng động và sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Sự chênh lệch về cơ hội tiếp cận giáo dục giữa các vùng miền, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số, vẫn là một vấn đề nhức nhối. Thêm vào đó, tư duy trọng bằng cấp hơn năng lực thực tế, cùng với tâm lý ngại đổi mới, chậm thích ứng, đang cản trở quá trình phát triển.

Để vượt qua những thách thức này và hiện thực hóa khát vọng vươn mình, chúng ta cần có những giải pháp đột phá, mang tính chiến lược và đồng bộ. Nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập phải trở thành ưu tiên hàng đầu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết, chân lý “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng trở nên sâu sắc, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng sống còn của việc học tập và nâng cao dân trí trong kỷ nguyên mới.

Giáo dục, đào tạo và học tập suốt đời – “động lực phát triển” trong kỷ nguyên mới

Trong bối cảnh kỷ nguyên số và sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của khoa học công nghệ, Tgiáo dục, đào tạo và học tập suốt đời là “động lực phát triển” then chốt, trở thành chìa khóa để thích ứng, phát triển và không bị tụt hậu, bởi tri thức, kỹ năng và khả năng thích ứng quyết định sự thành công của cá nhân và xã hội. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, giáo dục không chỉ là sự nghiệp của một bộ phận mà là của toàn xã hội, có vai trò nền tảng trong sự phát triển quốc gia, nấn mạnh vai trò toàn diện của giáo dục trong xây dựng con người mới, đáp ứng yêu cầu thời đại.. Người từng căn dặn: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại"; “Không tiến bộ là thoái bộ… Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải”.

Mới đây trong bài viết "Học tập suốt đời", Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: "Học tập suốt đời là chìa khóa để Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới", để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội.

Điều này cho thấy, đầu tư vào giáo dục, đào tạo và học tập suốt đời là đầu tư vào sự phát triển bền vững, tạo ra nguồn lực con người chất lượng cao. Khi tri thức là yếu tố quyết định cạnh tranh và phát triển, giáo dục càng trở nên quan trọng, không chỉ cung cấp tri thức, kỹ năng mà còn hình thành nhân cách, đạo đức, giúp con người phát triển toàn diện, có khả năng sáng tạo, thích ứng và hợp tác.

Nhận thấy tầm quan trọng giữa giáo dục, đào tạo và học tập suốt đời, trở thành động lực quan trọng cho sự vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đảng và Nhà nước đã có những định hướng chiến lược quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy giáo dục Việt Nam phát triển trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện cho mọi người dân được phát triển toàn diện như Đại hội XIII Đảng ta đã xác định “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Xây dựng xã hội học tập - bước đi chiến lược trong kỷ nguyên mới

Xây dựng xã hội học tập là nơi tất cả mọi người dân, mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều có cơ hội và được khuyến khích học tập suốt đời, đặc biệt trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là xã hội coi trọng tri thức, nơi việc học tập trở thành nhu cầu tự thân, niềm vui, và là một phần thiết yếu của cuộc sống, đặc biệt trong kỷ nguyên số. Để xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, chúng ta cần các giải pháp đồng bộ, toàn diện dựa trên quan điểm “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh cũng như đáp ứng xu thế của kỷ nguyên mới.

Trước hết, cần đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục theo hướng phát triển năng lực của người học, tăng tính thực tiễn, kết nối lý thuyết và thực hành, chú trọng phát triển tư duy, kỹ và khả năng thích ứng với thay đổi, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới. Muốn làm được như vậy, vấn đề quan trọng vẫn là khuyến khích sáng tạo và đổi mới cũng như xây dựng môi trường văn hóa học tập “tự nguyện, tự giác, tự chủ”, tạo thói quen đọc sách, và tận dụng lợi thế của kỷ nguyên số để học tập, tiếp cận nguồn tri thức sâu rộng.

Đồng thời, cần thu hẹp khoảng cách, nâng cao trình độ dân trí thông qua tăng cường đầu tư cho giáo dục, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, để người học tiếp cận nguồn tài liệu, kiến thức đa dạng, học tập linh hoạt và hiệu quả, có cơ chế phù hợp để thu hút nguồn lực xã hội, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Cuối cùng, cần chú trọng công tác phát hiện và bồi dưỡng người tài, tạo điều kiện để họ phát triển, cống hiến cho đất nước, xây dựng một Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên mới.

Xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí là một nhiệm vụ chiến lược, là chìa khóa để Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới. Đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội, là hiện thực hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một đất nước “ai cũng được học hành” và phát triển toàn diện trong kỷ nguyên mới./.