(VNTV). Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo (AI Act) của Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực từ tháng 8 năm ngoái, các doanh nghiệp có trách nhiệm đảm bảo rằng nhân viên của họ, bao gồm cả lao động giản đơn, phải được tập huấn về những kiến thức cơ bản liên quan đến AI. Việc vi phạm quy định có thể dẫn đến mức phạt cao, lên đến 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu của công ty. Như vậy, Đạo luật Trí tuệ Nhân tạo của EU coi phổ cập AI không khác gì “xóa mù chữ” - “xóa mù AI” giờ đây là bắt buộc đối với tất cả người lao động trong Liên minh châu Âu.

Và thế giới ngày nay không có một ranh giới nào cho những ứng dụng của AI. Châu Âu hay “thế giới thứ ba” đều đang được hưởng những tiến bộ của nhân loại về phát triển trí tuệ nhân tạo. Với nước ta, lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc cách mạng công nghiệp, người lao động Việt Nam không bị bỏ lại phía sau. Chúng ta đang được nắm bắt, thừa hưởng rất kịp thời những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nơi AI và công nghệ số đóng vai trò trung tâm, và tiến bước từng giờ, từng ngày.

Tôi rất ấn tượng với câu nói của anh Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng Trường - trường Đại học FPT, trong một buổi thuyết trình về AI: “Trí tuệ nhân tạo chưa bao giờ cướp việc của chúng ta, chỉ những người biết sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ cướp việc của chúng ta”. Rõ ràng, nếu như trước đây, hồ sơ xin việc của một sinh viên ra trường, đi kèm với bằng đại học chuyên ngành, là một loạt chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; thì thời đại ngày nay, thứ không thể thiếu trong hành trang của người xin việc là phải “nằm lòng” các công cụ AI cơ bản, cũng như phục vụ cho chuyên môn của mình.

Để đáp ứng các yêu cầu ngay hiện tại và tương lai, việc phổ cập AI sẽ phải cùng lúc nhắm đến cả hai nhóm đối tượng: Nhóm học sinh, sinh viên; và nhóm người lao động.

Tại một hội nghị vào đầu tháng 2 vừa qua, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, đã đề nghị Việt Nam thực hiện “bình dân AI vụ”, một khái niệm được đặt trên tinh thần của chương trình “Bình dân học vụ”, từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi đất nước ta phải chiến đấu với cả “giặc đói” và “giặc dốt”. “Dốt AI” của kỷ nguyên công nghệ trí tuệ nhân tạo, cũng không khác gì “dốt chữ” năm xưa. Ông Bình đề nghị một cách "nhanh nhất có thể" đưa AI vào chương trình giáo dục đào tạo của toàn hệ thống giáo dục.

Có một thực tế là khi AI chưa được đưa vào chương trình chính thức của các nhà trường phổ thông, thì cô con gái của tôi và tất cả bạn bè trong lớp con đã thường xuyên sử dụng AI để trợ giúp giải toán, viết văn, lên dàn ý thuyết trình, và gi gỉ gì gi những điều các con cần giải đáp. Ngành giáo dục lúc này không thể “làm ngơ” hoặc ngăn cấm học sinh sử dụng AI. Đây là lúc phải thay đổi cách dạy, cách học, coi AI là người bạn đồng hành, thúc đẩy nỗ lực và hiệu quả học tập của học sinh.

Tất nhiên đưa AI vào nhà trường không phải là để AI “học thay”, “làm hộ”. Chúng ta cần một sự tiếp cận mới mẻ trong cách dạy và học, để sử dụng AI sẽ không đồng nghĩa với khiến học sinh “lười tư duy”, mà trái lại sẽ giúp các em có công cụ để phân tích dữ liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn, từ đó tăng cường tư duy phản biện và sáng tạo. Các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Trung Quốc, Singapore hiện nay đã tích hợp AI vào giáo dục từ cấp phổ thông, giúp học sinh làm quen với công nghệ ngay từ nhỏ. Học sinh Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế đó, các em cần được chuẩn bị cho một thị trường lao động tương lai, khi AI trở thành trung tâm trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.

Còn ở nhóm đối tượng thứ hai – người lao động, thì hơn lúc nào hết, chương trình “xóa mù AI” phải được lan tỏa đến mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi. Các công cụ AI đang được phát triển rất mạnh mẽ với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. AI là những ‘cỗ xe’ mới mẻ, và người lao động chính là những ‘tài xế’ cần học cách điều khiển để có thể vận hành chúng. Vì thế việc phổ cập AI phải hướng đến mọi đối tượng lao động, từ nhân viên văn phòng, nhà quản lý, cho đến công nhân, nông dân hay tiểu thương v.v.

Nhìn sang các quốc gia trong khu vực, chúng ta có thể học hỏi từ Singapore với hai chương trình đào tạo trong chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo là "AI for Everyone" (AI4E) và "AI for Industry" (AI4I) nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng AI cho cộng đồng và các chuyên gia.​ Chương trình AI4E được thiết kế để phổ cập AI cho mọi đối tượng, giúp họ hiểu rõ các công nghệ và ứng dụng AI hiện đại, mà không yêu cầu kiến thức kỹ thuật sâu, phù hợp với cả những người không có nền tảng công nghệ. ​Còn chương trình AI4I thì hướng đến các chuyên gia kỹ thuật trong các ngành kinh tế, cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng AI vào chuyên môn.​

Ở nước ta, để phổ cập AI cho mọi đối tượng người lao động, rào cản đầu tiên lại không phải là công nghệ mà là tâm lý. Nhiều người lao động ở các ngành nghề ít liên quan đến công nghệ, hoặc ở độ tuổi đã “lạc hậu”, vướng phải tâm lý lo ngại rằng AI quá phức tạp và không phù hợp với trình độ của họ. Vì thế, những chương trình đào tạo AI cần được “ngành nghề hóa”, “nhóm hóa” để giúp người lao động dễ tiếp cận, khi họ thấy ngay được những ứng dụng thực tế với công việc của mình. Người nông dân cũng có thể ứng dụng AI để phân tích dữ liệu, giúp dự báo mùa vụ, tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu chi phí. Họ cũng có thể sử dụng AI để phân tích hình ảnh, nhận diện các vấn đề của cây trồng như sâu bệnh, phát triển, hay dinh dưỡng, độ ẩm của đất...

Thế giới ngày nay đang chuyển dịch mạnh mẽ dưới tác động của AI, và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng này. Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Đây sẽ là một bước đệm quan trọng giúp đất nước ta bứt phá trong kỷ nguyên số.