Từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương gắn kết cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, trên cơ sở đó tạo thế, tạo lực, tăng cường sức mạnh cho cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành chính quyền cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
Đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ chặt chẽ với cách mạng thế giới, giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám 1945
Trong giai đoạn 1930-1945, với sự ra đời của Đảng đã tạo ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Từ đây, Đảng xác định vai trò lãnh đạo đất nước giành độc lập dân tộc. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã sớm nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Người chỉ rõ: "Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”[1]. Trong Sách lược vắn tắt của Đảng được thông qua tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản (2/1930), quan điểm quốc tế của Đảng được khẳng định: "Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[2]. Luận cương chính trị (tháng 10/1930), do Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải "liên lạc với vô sản và dân tộc thuộc địa thế giới”.
Tháng 5/1941, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhằm đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi. Về đối ngoại, Hội nghị chủ trương: một là, giải quyết vấn đề dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trong khuôn khổ từng nước Đông Dương; đồng thời quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận riêng: Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Nam); Ai Lao độc lập đồng minh (Lào); Cao miên (Campuchia) độc lập đồng minh. Hai là, xác định: "Cuộc cách mạng Đông Dương là một bộ phận của cách mạng thế giới và giai đoạn hiện tại là một bộ phận dân chủ chống phát xít. Bởi vì Pháp – Nhật hiện nay là một bộ phận đế quốc xâm lược và là một bộ phận phát xít thế giới”[3].
Tại Đại hội lần thứ I của Đảng (3/1935) ở Ma Cao (Trung Quốc), Đảng chủ trương gắn cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam với việc góp phần thực hiện nhiệm vụ chung của nhân dân thế giới chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, ủng hộ Liên Xô, cách mạng Trung Quốc, ủng hộ Mặt trận nhân dân Pháp và tranh thủ sự ủng hộ của Mặt trận này đối với cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân ta[4].
Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị đề ra những nhiệm vụ quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại cần thi hành sau khi giành được chính quyền; đề ra chính sách đối ngoại của Đảng là: “Hết sức tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt chính phủ của Pháp Đờ Gôn hay một chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc”[5];
Những hoạt động đối ngoại của Đảng và đối ngoại nhân dân thời kỳ này đã tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ của Quốc tế cộng sản, Liên Xô, Trung Quốc đối với cuộc cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.
Hội nghị Geneva về Việt Nam và Đông Dương, tháng 7/1954 (Ảnh tư liệu)
Phá vỡ vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, đưa kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), những hoạt động ngoại giao của Đảng nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng và củng cố, giữ vững chính quyền cách mạng, ổn định đời sống nhân dân. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố ngày 02/9/1945 đã khẳng định: “Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký kết về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”[6].
Ngày 03/10/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Thông cáo về chính sách ngoại giao của nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, nêu rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam là chính sách đối ngoại độc lập, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, nhưng đồng thời phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thích ứng với xu thế thời đại. Mục tiêu đối ngoại của Việt Nam là góp phần “đưa nước nhà đến nền độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn”. Đó là sự khẳng định nhất quán, nhiệm vụ đối ngoại đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản như: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ,
Tiếp đó, Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về Kháng chiến kiến quốc, ngày 25/11/1945 nêu rõ: “Kiên trì chủ trương ngoại giao với các nước theo nguyên tắc “bình đẳng và tương trợ”. Phải đặc biệt chú ý những điều này: một là thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là muốn ngoại giao được thắng lợi phải biểu dương thực lực”[7]. Điều này có nghĩa là: giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ chế độ là mục tiêu nhất quán trong toàn bộ chủ trương, chính sách đối ngoại; phương châm thực hiện là “thêm bạn bớt thù”, “biểu dương thực lực”, chú trọng biện pháp đối thoại và thương lượng hòa bình.
Thực tế cho thấy, ngay sau khi giành được chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam mới, Đảng đã nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động đối ngoại trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc[8]. Trên cơ sở đó, Đảng đã sớm xác lập đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, bao gồm các nội dung về: mục tiêu, nhiệm vụ của đối ngoại; sắp xếp lực lượng; xác định nguyên tắc, phương châm và phương pháp đấu tranh ngoại giao của cách mạng Việt Nam. Đường lối đối ngoại của Nhà nước Việt Nam mới “đã đổi mới quan hệ giữa chính quốc và thuộc địa và quan hệ với láng giềng gần xa – kể cả quan hệ với các nước lớn, mở ra trang sử mới của quan hệ quốc tế Việt Nam”[9]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động đối ngoại của Nhà nước Việt Nam mới đã mở ra cục diện đấu tranh ngoại giao, góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng non trẻ, đồng thời qua đó nâng cao hình ảnh, uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Việt Nam đã bước đầu mở quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực. Ngày 14/4/1947, cơ quan đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Băng Cốc chính thức đi vào hoạt động. Trong năm 1948, Việt Nam đã thiết lập cơ quan đại diện ở Miến Điện và lập quan hệ ở những mức độ khác nhau với các nước như Ấn Độ, Pakixtan, Inđônêxia. Ngày 02/01/1950, Hồ Chí Minh thăm Trung Quốc, hai bên thỏa thuận công nhận lẫn nhau. Ngày 15/01/1950, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngày 18/01/1950, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt ngoại giao. Ngay sau đó, ngày 30/01/1950, Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mặt ngoại giao. Sau hai sự kiện này, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Triều Tiên lần lượt tuyên bố công nhận Việt Nam về mặt ngoại giao. Từ đây, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam trở thành một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế. Uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nâng cao trên trường quốc tế, tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia tích cực vào phong trào hòa bình, dân chủ của nhân dân thế giới, tranh thủ thêm sự ủng hộ quốc tế về chính trị và vật chất – kỹ thuật đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta.
Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (tháng 02/1951) đã xác định nhiệm vụ đối ngoại là phục vụ kháng chiến để tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, đánh đổ bọn can thiệp Mỹ; chính sách ngoại giao của Việt Nam có tính dân tộc, dân chủ, chủ quyền lãnh thổ và thống nhất đất nước; ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc; bảo vệ hòa bình và dân chủ trên thế giới, chống bọn gây chiến; đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác; hợp tác thân thiện, tự do và bình đẳng với chính phủ và nhân dân các nước. Đảng đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Lào và Campuchia, xác định đây là mối quan hệ hợp tác lâu dài.
Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc ngày 08/5/1954, chưa đầy 24 giờ sau khi quân Pháp thất bại tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên nền ngoại giao non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia một hội nghị quốc tế, trong đó có đại diện của 5nước lớn là Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh và Mỹ trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp. Hiệp định Genevalà một thắng lợi lớn của Việt Nam về chính trị và ngoại giao: “Lần đầu tiên trên thế giới, một hiệp định quốc tế với sự tham gia của các nước lớn công nhận một nước thuộc địa có các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và dân tộc tự quyết”[10].
Nhìn khái quát, hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Viêt Nam, tháng 01/1973 (Ảnh tư liệu)
Tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, giành chiến thắng trong cuộc đụng đầu lịch sử, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Đảng đẩy mạnh lãnh đạo hoạt động đối ngoại, góp phần vào sự thành công của cuộc kháng chiến, giải phóng dân tộc.
Để đối phó với các âm mưu và hành động của Mỹ, ngày 05/9/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới của Đảng. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu chính sách đối ngoại của Việt Nam là: "Chống chính sách chiến tranh của đế quốc Mỹ, chống Mỹ tổ chức khối xâm lược Đông Nam Á, củng cố hòa bình ở Đông Dương, bảo vệ hòa bình Đông Nam Á và toàn thế giới”[11].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (09/1960) xác định nội dung cơ bản chính sách ngoại giao của Việt Nam là: "Tiếp tục tăng cường sự đoàn kết nhất trí giữa nước ta và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu”[12]; đối với các nước láng giềng, Việt Nam "mong muốn xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và không can thiệp vào nội bộ của nhau... Chúng ta sẵn sàng đặt quan hệ hữu nghị với tất cả các nước khác trên cơ sở bình đẳng, hai bên cùng có lợi”[13]; đi đôi với việc xây dựng và tăng cường quan hệ với chính phủ, mở rộng quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước. Đảng khẳng định mục tiêu ngoại giao là "bảo đảm thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp thống nhất nước nhà”[14].
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 và Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, quân và dân cả nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn về mọi mặt. Nhưng đế quốc Mỹ ngoan cố, một mặt tiếp tục tăng cường lực lượng và phương tiện chiến tranh, hòng đánh mạnh thắng nhanh về mặt quân sự, mặt khác tăng cường những thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt. Đầu năm 1967, những thắng lợi mới của nhân dân ta ở trên cả hai miền đất nước đã tạo ra những khả năng mới để đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ, cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ. Hội nghị lần thứ mười ba (tháng 01/1967), thông qua Nghị quyết Về đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta: "Đi đôi với đấu tranh quân sự và chính trị ở miền Nam, ta cần tiến công địch về mặt ngoại giao, phối hợp với hai mặt trận đấu tranh đó để giành thắng lợi to lớn hơn nữa”[15].
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã mở ra cục diện mới, cục diện "vừa đánh vừa đàm”. Ngày 13/5/1968, Việt Nam và Mỹ chính thức mở cuộc đàm phán tại Paris. Cuộ đàm phán kéo dài và phải đến lúc cuộc tập kích chiến lược đường không của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng (từ ngày 18 đến ngày 30/12/1972) bị đánh bại hoàn toàn, Mỹ mới buộc phải ký Hiệp định Pari (27/01/1973). Với Hiệp định này, Mỹ phải "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; trong đó, thắng lợi quan trọng nhất của ta là quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ buộc phải rút khỏi miền Nam Việt Nam, còn quân chủ lực của ta vẫn ở nguyên tại chỗ, tạo nên so sánh lực lượng mới có lợi cho ta kể từ 18 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”[16].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr. XVII.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.2.
[3]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.114.
[4] Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 15.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.7, tr.427.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr3.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.8, tr. 27.
[8] Ngày 14/11/1945, thay mặt Đảng và Chính phủ, Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi Nhân tài và kiến quốc đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhất bây giờ là: Kiến thiết ngoại giao; Kiết thiết kinh tế; Kiến thiết quân sự; Kiến thiết giáo dục…” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.114).
[9] Nguyễn Phúc Luân (chủ biên): Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945-1975), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.82.
[10] Nguyễn Thị Bình: Những thành tựu nổi bật của nền ngoại giao Việt Nam, in trong cuốn “Ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.36.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.15, tr. 304.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 625.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 625.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 627.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.28, tr. 174.
[16] Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.90.