Trận Trân Châu Cảng ngày 07/12/1941 đã đi vào lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai khi Nhật Bản đã bất ngờ tiến công các hạm đội của Mỹ gây ra những thiệt hại khổng lồ trong một trận đánh. Nước Mỹ không chịu ngồi yên và họ đã rửa hận cho “nỗi nhục” này như thế nào ?
Người Mỹ sẽ không bao giờ quên sự kiện này, nhưng ở vào thời điểm đó họ coi đây là mối nhục phải rửa và ngay lập tức lên kế hoạch rửa hận cho những thiệt hại phải gánh chịu tại Trân Châu Cảng.
Để trả đũa cho trận Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ đã tiến hành một trận tập kích lớn vào lãnh thổ Nhật Bản đồng thời tiến hành một đặc vụ là ám sát bằng được đô đốc Nhật Bản Yamamoto, kiến trúc sư trưởng của trận đánh vào Trân Châu Cảng.
Trận không kích dẫn đầu bởi sĩ quan Doolittle
Trong trận Trân Châu Cảng, mặc dù Nhật Bản đánh thiệt hại nặng các hạm đội mặt nước của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, tuy nhiên đã không gây thiệt hại gì cho các tàu sân bay của Mỹ, vậy nên từ những tàu sân bay này, Hoa Kỳ quyết tâm sử dụng các máy bay ném bom sâu trong lãnh thổ Nhật Bản để trả đũa.
Ngày 21/12/1941, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ lên kế hoạch cho việc không kích Nhật Bản.
Do Nhật Bản bảo vệ vùng biển và vùng trời khá chặt chẽ, nên để tạo bất ngờ, các máy bay của Hoa Kỳ buộc phải cất cánh từ khoảng cách 3.900 km từ các tàu sân bay và sử dụng loại máy bay B.25 Mitchell, một loại máy bay mới được đưa vào biên chế của quân đội Mỹ, tuy nhỏ nhưng có lợi thế bay nhanh hơn.
Các máy bay B.25 của Mỹ được cải tiến để có thể bay xa hơn để tấn công Nhật Bản. Tuy nhiên, khả năng tự vệ của các máy bay thì được giảm đi, cho nên nhiệm vụ ném bom đất Nhật Bản được coi như là những phi vụ tự sát, một đi không trở lại.
Ngày 01/4/1942, 16 máy bay B.25 được lệnh xuất kích. Các máy bay tấn công được đưa lên tàu sân bay Hornet và được các tàu hộ tống đưa đến vùng biển Thái Bình Dương.
Khi còn cách mục tiêu 1.050 km, tàu sân bay Mỹ đụng độ với một tàu ngầm của Nhật Bản, mặc dù đánh đắm chiếc tàu ngầm này, nhưng tàu Nhật Bản đã kịp thời gửi điện về chính quốc cảnh báo về một cuộc tấn công của không quân Mỹ. Các máy bay B.25 được lệnh cất cánh sớm nhằm tranh thủ thời gian và gây bất ngờ. Máy bay Mỹ cũng được lệnh bay thấp nhất có thể trên mặt biển để tránh việc phát hiện sớm của Nhật Bản.
Cuối cùng các máy bay đã đến được mục tiêu và đồng loạt ném bom vào 10 mục tiêu quân sự và công nghiệp tại Tokyo, tại Yokohama, Nayoga, Kobe và Osaka.
Mặc dù Nhật Bản cũng đã đối phó với việc gia tăng hỏa lực cao xạ cũng như tăng cường các máy bay tiêm kích đánh chặn, nhưng không một chiếc B.25 nào của Mỹ bị bắn rơi.
Cho đến khi thực hiện nhiệm vụ chỉ có một chiếc B.25 bị hỏng hóc nhẹ. Tuy nhiên, tất cả các máy bay B.25 của Mỹ vẫn có thể tiến công mặt đất, tạo nên một trận không kích bất ngờ, gây chấn động nước Nhật.
Sau khi ném bom, các máy bay Mỹ cố gắng bay về các sân bay của Đồng Minh ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối cùng tất cả đã bị hết nhiên liệu và phi công phải nhảy dù cũng như hạ cánh tại các bờ biển của Trung Quốc. Một chiếc bay vào lãnh thổ của Nga và phi hành đoàn đã bị bắt.
Hầu hết các máy bay B.25 hạ cánh dọc theo bờ biển của Trung Quốc và các phi công được sự giúp đỡ của người dân Trung Quốc để trốn thoát. Chỉ có 8 phi công Mỹ bị Nhật Bản bắt được.
Nhật Bản đã tgiết hại hàng trăm nghìn người dân Trung Quốc để trả đũa việc họ đã giúp đỡ các phi công Mỹ trốn thoát.
Chiến dịch ném bom trả đũa của người Mỹ về cơ bản là thành công, đã đem lại sự hưng phấn và tự tin trở lại cho dư luận Mỹ, để nước Mỹ có thể tiến vào chiến tranh thế giới thứ hai với Nhật Bản trong một tâm thế mạnh mẽ hơn. Khả năng bất khả xâm phạm lãnh thổ của người Nhật cũng không còn nữa, mang đến cho những quốc gia chống Nhật niềm tin hoàn toàn có thể đánh bại quân phiệt Nhật hùng mạnh.
Phi công James H. Doolittle đã dẫn đầu phi đội máy bay cảm tử tiến công Nhật Bản (Ảnh tư liệu)
Ám sát đô đốc Yamahamoto
Mặc dù đã ném bom sâu trong lãnh thổ Nhật để trả thù nhưng người Mỹ vẫn chưa nguôi ngoai, vì viên tướng chỉ huy trận Trân Châu Cảng của Nhật Bản vẫn còn đó.
Đêm 13/4/1943, tình báo Mỹ vô tình bắt được một bức điện mật của Nhật Bản và giải mã nó, qua đó biết được thông tin về một chuyến đi đến một hòn đảo tại Thái Bình Dương của đô đốc Yamahamoto, người mà nước Mỹ thề rằng sẽ phải tiêu diệt cho bằng được để trả thù cho nỗi đau trân Châu cảng
Theo đó, phía Mỹ đã biết được kế hoạch công tác ngày 18/4/1943 của Tư lệnh Hạm đội liên hợp Nhật Bản.
Trong chuyến công cán này, vị Đô đốc Nhật sẽ đi vào vùng tác chiến của máy bay Mỹ, đây là một cơ hội không thể thuận lợi hơn cho việc Mỹ lên kế hoạch tiêu diệt Yamahamoto.
Tuy nhiên, người Mỹ vẫn lo ngại dư luận quốc tế lên án việc tấn công tiêu diệt những người lãnh đạo chủ chốt của đối phương, cho nên đã xây dựng một kế hoạch cho có vẻ hoàn toàn ngẫu nhiên.
Kế hoạch của Mỹ là sẽ cử máy bay chiến đấu bắn rơi máy bay Yamahamoto sử dụng để ra chiến trường.
Ngày 15/4/1943, Mỹ ra lệnh cho lực lượng không quân tại khu vực Thái Bình Dương nhận nhiệm vụ.
Hoa Kỳ đã tính toán đường bay cũng như tốc độ máy bay của Nhật và bố trí cho một số máy bay Mỹ làm như có vẻ vô tình chạm trán máy bay Nhật trên bầu trời vùng đảo Bougainville ở Thái Bình Dương và sẽ tiến hành công kích vào lúc máy bay chở vị Đô đốc Nhật Bản chuẩn bị hạ cánh. 18 máy bay Mỹ được chuẩn bị xuất kích trong đó có 5 máy bay tiền tiêu có nhiệm vụ bắn hạ Yamahamoto.
Các máy bay Mỹ sẽ bay thấp cách mặt biển khoảng 10m, khi đến địa điểm chạm trán sẽ bay lên cao hơn và tấn công các máy bay Nhật từ trên cao.
Hai máy bay cỡ lớn chở vị Đô đốc Nhật được 6 máy bay hộ tống. Khi đoàn máy bay của Nhật bay đến đảo, chuẩn bị hạ cánh, thì hàng loạt chiếc máy bay P.38 của Mỹ xuất hiện từ trên cao đã thực hiện công kích dữ dội. Các máy bay Mỹ đã làm nhiệm vụ thu hút các máy bay hộ tống của vị Đô đốc Nhật khiến cho máy bay chở ông này trở lên đơn độc trong khu vực, trở thành mục tiêu ngon ăn cho các máy bay của Mỹ.
Đô đốc Yamahamoto (áo trắng) gặp gỡ các phi công Nhật sáng ngày 18/4/1943, chỉ vài giờ trước khi ông bị máy bay Mỹ bắn hạ và thiệt mạng (Ảnh tư liệu)
Chiếc máy bay chở Đô đốc Nhật bị các máy bay tiêm kích của Mỹ bắn trúng và bốc cháy rơi xuống một cánh rừng. Chiếc máy bay lớn thứ hai của Nhật chở vị Phó đô đốc bay ra biển nhưng cũng đã bị bắn hạ.
Các máy bay chiến đấu của Mỹ ngay lập tức rút về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ bắn rơi hai chiếc máy bay lớn của Nhật Bản.
Sau khi máy bay chở Đô đốc Nhật bị rơi, phía Nhật giữ kín bí mật về việc đó, phía Mỹ thì không thể xác định được rằng đô đốc Yamahamoto đã thiệt mạng hay chưa. Phía Mỹ cũng chỉ biết rằng có thể vị Đô đốc nổi tiếng của Nhật đã thiệt mạng trong vụ tiến công.
Đô đốc Yamahamoto cuối cùng được xác định thiệt mạng đúng vào ngày 18/4/1943. Trước đó đúng 1 năm không quân Mỹ cũng đã tiến công Tokyo cũng như nhiều thành phố của Nhật trong chiến dịch ném bom do sĩ quan Doolitlle chỉ huy.
Từ đó ngày 18/4/ đã trở thành trở thành ngày hội truyền thống của Không quân Mỹ.
Chiều ngày 18/4, quân đội Nhật tại Thái Bình Dương xác định đô đốc Yamahamoto đã từ trần và hai ngày sau thì tìm thấy chiếc máy bay bị bắn hạ cùng với 11 người đã chết
Theo các thông tin sau này được xác nhận, Đô đốc Nhật Bản đã bị trúng đạn công kích từ máy bay Mỹ và chết trước khi máy bay rơi.
Tháng 5/1943, hài cốt của vị Đô đốc được đưa về Nhật Bản và tổ chức tang lễ. Đến lúc này, Nhật Bản mới chính thức công bố Tư lệnh Hạm đội liên hợp, Đại tướng hải quân Isoroku Yamahamoto tháng 4 năm nay trong khi đi thị sát chiến trường bằng máy bay đã hi sinh oanh liệt.
Cả nước Nhật bàng hoàng vì đã mất đi một vị tướng đặc biệt quan trọng đối với quân đội Nhật nói chung và hải quân Nhật nói riêng.
Về phía Mỹ, điệp vụ bắn rơi máy bay chở Yamahamoto được giữ hoàn toàn bí mật khi những quân nhân tham gia hoặc là phải về nước hoặc là phải tuyệt đối giữ bí mật cho phi vụ.
Đến năm 1949, phi công đã trực tiếp bắn hạ máy bay chở Đô đốc nhật đã đến Nhật Bản và gặp lại vợ góa của Đô đốc. Tuy nhiên bí mật vẫn được giữ.
Đến năm 1960, khi được phép công khai vụ việc, một viên phi công Mỹ tham gia phi vụ đã viết bài báo “Tôi bắn rơi máy bay chở Yamahamoto” đăng trên một Tạp chí của Mỹ. Sau này cũng diễn ra sự tranh chấp công trạng giữa hai phi công Mỹ cùng cho rằng mình là người bắn rơi Đô đốc Nhật.
Cho đến ngày nay, xác chiếc máy bay chở Đô đốc Nhật bị Mỹ bắn rơi vẫn được để nguyên tại địa điểm nó bị rơi và trở thành một địa điểm du lịch thu hút khách tại hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Vụ việc mặc dù cuối cùng đã được đưa ra công khai, nhưng Hoa Kỳ đã không bị thế giới lên án vì cho rằng đây là một sự kiện bình thường trong chiến tranh và cũng do nước Nhật đã thua cuộc, nếu không bị bắn rơi, vị Đô đốc này chắc chắn đối diện mức án cao nhất dánh cho tội phạm chiến tranh.
Với việc tiêu diệt Yamahamoto, Hoa Kỳ đã đánh sụp biểu tượng lớn nhất của quân đội Nhật Bản cũng như của hải quân Nhật Bản, góp phần làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội Nhật, bởi Đô đốc Yamahamoto là một vị tướng có khả năng hoạch định chiến lược quan trọng trong cuộc chiến tranh. Từ đó trở đi, Nhật Bản liên tiếp gặp những thất bại ngày càng lớn trong cuộc chiến tranh và cuối cùng đã phải chấp nhận đầu hàng Quân đội Mỹ và Đồng minh.
Như vậy, với hai sự kiện nói trên, Hoa Kỳ được xem như đã trả được một phần mối hận khi Trân Châu Cảng bị tấn công bất ngờ với những thiệt hại vô cùng to lớn.
An Lê