Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc
Những ngày gần đây, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của Việt Nam trở thành đề tài sôi nổi được trao đổi, bàn luận trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội. Trong khi tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình, đồng thuận thì cũng có những quan điểm trái chiều. Đáng chú ý, không chỉ có những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước mà còn có cả những ý kiến trái chiều, tỏ ra hoài nghi, hoang mang của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Có một số luận điệu cho rằng chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy ở Việt Nam là “ý muốn chủ quan”, “ý muốn cá nhân” của một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam. Có một số kẻ còn cáo buộc rằng “sáp nhập là cách Đảng muốn thanh trừng phe cánh”, giải quyết “đấu đá nội bộ” hay đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”... Do đó, chủ trương này được tiến hành rất nhanh chóng như một cuộc “đại thanh trừng”!
Một số luận điệu khác cho rằng việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Việt Nam chỉ là trò “đánh trống khua chiêng”, tuy được tiến hành rầm rộ nhưng “không thực chất” bởi “cơ cấu bộ máy nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ gây tốn kém, phức tạp”. Do đó, họ cáo buộc rằng “Việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức, mị dân”; “việc tinh giản biên chế sẽ khiến nhiều người mất việc, là thiếu tính nhân văn, gây ra mất ổn định xã hội”...
Đáng lo ngại hơn cả, không chỉ có những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động bên ngoài mà ngay chính một bộ phận cán bộ, đảng viên do mơ hồ về nhận thức, dao động về lập trường tư tưởng đã tỏ ra hoang mang, tin theo những luận điệu sai trái hoặc có thái độ hoài nghi, mất niềm tin vào chủ trương lớn của Đảng. Đây là những biểu hiện không thể xem thường vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sâu xa hơn là ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Khi “Ý Đảng” và “lòng dân” hòa hợp
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy trước hết là ý Đảng, là chủ trương của Đảng trong một thời gian dài. Từ khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, đặc biệt từ Đại hội VII (1991) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Nghị quyết số 10-NQ/TƯ, ngày 9-2-2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Nghị quyết số 17-NQ/TƯ, ngày 1-8-2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X “về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước”; Nghị quyết số 39-NQ/TƯ, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị “về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”; đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là những chủ trương, đường lối đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Do đó, không thể cáo buộc rằng chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy là ý muốn chủ quan của một cá nhân hay phe nhóm nào.
Đặc biệt, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy chính là xuất phát sâu xa từ nguyện vọng, mong muốn của nhân dân về một bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết và luôn hướng về phía nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị càng trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết vì về cơ bản, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70% tổng chi ngân sách nhà nước (trong khi con số này ở nhiều nước chỉ khoảng 48-50%), do đó không còn đủ nguồn lực để đầu tư phát triển...
Hơn nữa, việc phân công, phân cấp chưa thật rõ ràng tiếp tục nuôi dưỡng cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển đất nước.
Trong bài viết: “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng, tính tất yếu phải đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quan điểm bảo đảm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, xác định đây là nhiệm vụ chính trị hệ trọng, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải tập trung giải quyết. Do đó, tinh gọn tổ chức bộ máy là yêu cầu tất yếu để xây dựng bộ máy chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Sở dĩ tinh gọn tổ chức bộ máy được coi là một cuộc cách mạng vì nó có thể tạo ta những thay đổi căn bản, toàn diện của hệ thống chính trị; góp phần xây dựng hệ thống chính của Việt Nam theo hướng tinh, gọn, mạnh. Những kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được cùng một khí thế mới của cả hệ thống chính trị sau khi tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan, đơn vị chính là luận cứ giàu sức thuyết phục để phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch về tinh gọn tổ chức bộ máy ở Việt Nam hiện nay.
Như vậy, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy ở Việt Nam không phải là “ý muốn chủ quan”, “nóng vội”, “mang tính hình thức” mà đó chính là sự hội tụ giữa “ý Đảng” và “lòng dân”. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng sự hòa hợp, thống nhất giữa “ý Đảng” và “lòng dân” chính là tiền đề quan trọng để cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy có thể tiến hành thành công và thực sự mang lại những thay đổi to lớn cho hệ thống chính trị của Việt Nam trong thời gian tới.