Sự thật đằng sau luận điệu của các thế lực thù địch
Ngay sau khi chủ trương được ban hành, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị cố tình tung tin rằng: “Xây dựng quân đội ‘tinh, gọn, mạnh’ không cần sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đây là thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm lợi dụng chủ trương xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, bóp méo nội dung, xuyên tạc bản chất của quá trình cải cách này. Mục đích chính của hành động này nhằm “phi chính trị hóa” quân đội để quân đội “trung lập, đứng ngoài chính trị”; lấy cớ “hội nhập quốc tế, tiếp cận chuẩn mực quân đội hiện đại” để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do đó, việc nhận diện bản chất phản động và phản bác mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc nói trên là một yêu cầu cấp bách và có ý nghĩa chiến lược trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với quân đội.
Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định mọi thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam
Lịch sử hơn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam là minh chứng sinh động và đầy thuyết phục cho chân lý lịch sử: “Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Ngay từ những ngày đầu thành lập (22/12/1944), quân đội cách mạng Việt Nam đã mang trong mình dấu ấn chính trị sâu sắc của Đảng, là quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, gắn bó máu thịt với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Chính nhờ sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam mới có thể phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Sự lãnh đạo đó không chỉ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, mà còn là nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta luôn trực tiếp lãnh đạo mọi mặt hoạt động của quân đội, từ tư tưởng, tổ chức đến chiến lược chiến thuật. Chính vì vậy, quân đội ta mới có đủ bản lĩnh và trí tuệ để làm nên những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là kết quả của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ do Đảng ta hoạch định và chỉ đạo chặt chẽ. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng là thành quả của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – kết thúc thắng lợi trọn vẹn công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Không chỉ trong chiến tranh, vai trò lãnh đạo của Đảng còn thể hiện rõ nét trong thời kỳ hòa bình, khi quân đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Việc quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với lực lượng cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, khôi phục đất nước, được cộng đồng quốc tế ghi nhận như một nghĩa cử nhân đạo cao cả, một hành động vì hòa bình và chính nghĩa. Điều đó không thể có nếu không có sự chỉ đạo đúng đắn, nhân văn của Đảng cách mạng, chân chính.
Ngược lại, thực tiễn lịch sử thế giới đã cho thấy rõ, tại những quốc gia mà quân đội không đặt dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cách mạng, không được định hướng về chính trị - tư tưởng rõ ràng, thì lực lượng này rất dễ bị lôi kéo vào các hoạt động đảo chính, tranh giành quyền lực, gây mất ổn định chính trị, thậm chí nội chiến. Điển hình như ở Chile (1973), quân đội do tướng Augusto Pinochet cầm đầu đã tiến hành đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Salvador Allende, đưa đất nước rơi vào chế độ độc tài quân sự suốt hàng chục năm. Hay tại một số nước ở châu Phi như Mali, Sudan, quân đội thường xuyên can thiệp vào chính trị, làm trầm trọng thêm khủng hoảng và xung đột xã hội. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô và sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.
Chính vì vậy, việc giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam luôn giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đây cũng là tấm lá chắn vững chắc bảo vệ nền độc lập dân tộc, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự bình yên của nhân dân trong mọi tình huống.
Sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm tính chính trị, tư tưởng vững vàng cho Quân đội
Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là lực lượng vũ trang đơn thuần, mà còn là đội quân chính trị trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng của Đảng. Quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước, có chức năng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc và chế độ XHCN.
Chính vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là nhu cầu khách quan mà còn là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quân đội luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Điều này được Hiến định rõ ràng tại Điều 65 Hiến pháp năm 2013: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và Nhà nước”. Tách quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng đồng nghĩa với việc tước bỏ nền tảng chính trị tư tưởng của quân đội, từ đó làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, phá vỡ thế trận lòng dân và thế trận quốc phòng toàn dân.
Chủ trương “Xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” là sự hiện thực hóa đường lối quân sự của Đảng trong bối cảnh mới
Chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “tinh, gọn, mạnh”, được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm quân đội luôn sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tình hình mới. Nội dung này bao gồm việc tổ chức lại lực lượng theo hướng tinh gọn đầu mối, điều chỉnh biên chế hợp lý, hiện đại hóa trang bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và tác chiến hiện đại. Trong đó, yếu tố luôn được đề cao đó là việc “giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội”.
Như vậy có thể khẳng định không thể và không bao giờ tồn tại một quân đội cách mạng kiểu Việt Nam mà lại đứng ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy, việc “phi chính trị hóa” quân đội ở nhiều quốc gia không chỉ làm suy yếu hệ thống phòng thủ quốc gia mà còn tạo cơ hội cho các thế lực phản động, quân phiệt hóa hoặc chi phối chính trị bằng vũ lực. Ngược lại, tại Việt Nam, càng hiện đại hóa quân đội, càng cần có sự dẫn dắt tư tưởng, chỉ đạo chiến lược của Đảng để tránh nguy cơ “tha hóa chức năng”, lệch chuẩn giá trị quân sự vì thiếu định hướng chính trị đúng đắn. Việc xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” đồng nghĩa với việc “phi chính trị hóa”, tách rời quân đội khỏi sự lãnh đạo của Đảng là hoàn toàn sai trái, phản động và nguy hiểm.
Để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng và thực hiện tốt chủ trương xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, kiên định và không ngừng củng cố sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội trong mọi tình huống không chỉ là một yêu cầu về mặt lý luận, mà còn là mệnh lệnh chính trị, pháp lý và đạo lý.
Thứ hai, nhận thức sâu sắc rằng, quá trình xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” trong giai đoạn hiện nay là bước phát triển tất yếu nhằm nâng cao sức mạnh tổng hợp, hiện đại hóa quân đội, nhưng tuyệt nhiên không làm thay đổi bản chất chính trị, không làm suy giảm sự lãnh đạo của Đảng mà trái lại, càng đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo toàn diện và sâu sắc hơn.
Thứ ba, không ngừng củng cố niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam thực sự cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng và chế độ XHCN. Đây chính là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.