1. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc định hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải đến bây giờ mới xuất hiện mà diễn ra ngay từ khi Đảng ta chủ trương tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên trong bối cảnh, điều kiện mới, âm mưu, thủ đoạn chống pháp của chúng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn và tính chất, mức độ cũng quyết liệt và nguy hiểm hơn.
Nội dung các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tập trung vào một số vấn đề cơ bản như: Cho rằng không có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, “kinh tế thị trường và xã hội chủ nghĩa là không thể dung hợp với nhau”, “kinh tế thị trường là không thể định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Kinh tế thị trường là nền kinh tế tự do, nếu đã tự do thì không thể bị định hướng”; việc thừa nhận kinh tế thị trường là đang mở đường cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển; Việt Nam không có kinh tế thị trường đúng nghĩa vì còn kiểm soát; quản lý của nhà nước làm cản trở phát triển kinh tế hoặc bóp méo thị trường; Đảng và Nhà nước “ưu ái” kinh tế nhà nước, “xem nhẹ” kinh tế tư nhân; nguyên nhân những hạn chế, bất cập của nền kinh tế và những sai phạm, thiếu sót của các cá nhân, tổ chức trong các vụ án về kinh tế là do lỗi hệ thống, muốn khắc phục phải thay đổi thể chế kinh tế v.v.
Các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nêu trên được đưa ra bởi các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở cả trong và ngoài nước với âm mưu phủ nhận nền tảng tư tưởng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, gián tiếp bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là thành tựu của gần 40 năm đổi mới; phá hoại quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Các thủ đoạn được chúng sử dụng cũng hết sức tinh vi xảo quyệt; cách thức, phương tiện để tán phát quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng rất đa dạng. Đáng lưu ý, các quan điểm đó gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, nhất là trước thềm Đại hội XIV của Đảng.
2. Phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc định hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Có thể thấy các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIV về định hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là phủ nhận tính phổ biến và tính đặc thù của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; hướng lái kinh tế thị trường của Việt Nam theo kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn đều bác bỏ những quan điểm đó.
C.Mác đã chỉ ra rằng, kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản mà có thể tồn tại trong các hình thái kinh tế - xã hội khác, là kết quả sự phát triển lịch sử - tự nhiên của sức sản xuất xã hội. Khi sức sản xuất xã hội đạt đến trình độ nhất định sẽ làm xuất hiện những điều kiện khách quan để các quan hệ thị trường nảy nở và phát triển. Đó là phân công lao động xã hội và những hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. V.I.Lênin là người đầu tiên áp dụng quan điểm của C.Mác vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Kinh tế thị trường không phải là một chế độ kinh tế - xã hội. Nó là một hình thức, phương pháp vận hành nền kinh tế và có mặt ở nhiều chế độ kinh tế - xã hội, nên có những điểm chung và đặc thù. Trên thế giới đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế thị trường như: Kinh tế thị trường tự do ở hầu hết các nước Tây Âu và Bắc Mỹ; kinh tế thị trường xã hội ở một số nước Tây - Bắc Âu, điển hình là Cộng hòa liêng bang Đức; kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đặc sắc ở Trung Quốc và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Thực tiễn cũng cho thấy, đến nay, kinh tế thị trường tồn tại và phát triển dưới chủ nghĩa tư bản, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của chủ nghĩa tư bản, điều này gây ra sự nhầm tưởng rằng kinh tế thị trường là riêng có của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa không phải là vạn năng. Bên cạnh mặt tích cực nó còn tồn tại không ít khuyết tật do chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa chi phối. Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã và đang tìm mọi cách để tự điều chỉnh, thích nghi nhưng không thể khắc phục được mâu thuẫn vốn có của nó. Do vậy, nhân loại muốn phát triển thì không thể dừng lại ở kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa.
Thực tiễn ở Việt Nam trước thời kỳ đổi mới, kinh tế - xã hội rơi vào khủng hoảng, điều này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản. Tuy nhiên qua quá trình nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường được Đảng ta xác định ngày càng rõ hơn, trở thành mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới.
Sau gần 40 năm đổi mới, thực hiện nhất quán chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng tăng. Quy mô GDP năm 2025 xếp thứ 32 thế giới và thứ 4 trong ASEAN; thu nhập quốc dân (GNP) bình quân đầu người đạt khoảng 4650 USD, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2024 giảm còn 1,93%...; đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 nước, trong đó quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 nước, đối tác chiến lược với 10 nước, đối tác toàn diện với 13 nước.
Từ những vấn đề lý luận, thực tiễn nêu trên cho thấy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, xu thế thời đại và thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên đây là mô hình mới chưa có trong lịch sử nên quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, bất cập là điều không tránh khỏi. Vấn đề quan trọng là Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đó cùng các giải pháp để khắc phục.
Tóm lại, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn tự giác con đường và mô hình phát triển trên cơ sở thấu triệt lý luận Mác - Lênin, nắm bắt đúng quy luật khách quan và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không có gì khác hơn là nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng, thành tựu công cuộc đổi mới, gây sự hoài nghi, suy giảm niềm tin của nhân dân trước thềm Đại hội XIV của Đảng – Đại hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta trong kỷ nguyên phát triển mới. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần nêu cao cảnh giác, chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh bác bỏ.