Có ý kiến cho rằng phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm thui chột tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên. Trên thực tế, ở một số địa phương/ ngành, cán bộ sợ trách nhiệm nên ngại hành động, đổi mới. Tâm lý sợ trách nhiệm là có thật, từ xưa đến nay. Tuy nhiên, vấn đề có thể được bàn luận từ nhiều góc độ.

     1, Tham nhũng là một con quái vật tham lam và tàn bạo

     Quyền lực không được kiểm soát và lợi ích bất minh là nguồn dinh dưỡng nuôi sống tham nhũng. Tham nhũng phải thâu tóm hai yếu tố này. Có được quyền lực không bị kiểm soát thì sẽ có được lợi ích bất minh. Tham nhũng luôn tìm ra lợi ích bất minh trong mọi mối quan hệ bất kể nguồn gốc. Lợi ích bất minh là không có giới hạn đối với tham nhũng. Lợi ích bất minh không giới hạn sẽ hỗ trợ để vô hiệu hoá sự kiểm soát quyền lực. Nhiều vụ tham nhũng khi được đưa ra ánh sáng khiến mọi người có thể sửng sốt về qui mô và tác hại của nó. Nó qua mặt pháp luật, chà đạp đạo đức, tiêu diệt không chỉ những người chống lại mà cả những người không đứng về phía nó. Theo Ngân hàng thể giới (WB), tiền hối lộ mỗi năm lên tới hơn 1 nghìn tỉ USD trên toàn cầu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính chi phí hối lộ trên thế giới chiếm hơn 5% tổng giá trị sản phẩm toàn cầu[1]. Đấy là chưa kể những thiệt hại về kinh tế hay sự huỷ hoại tài nguyên mà tham nhũng có thể gây ra. Theo nghĩa này, tham nhũng thực sự là con quái vật tham lam, tàn bạo, nó sẽ nuốt chửng mọi thứ cản trở nó.

     2, Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, bắt buộc của các nhà nước mong muốn phát triển

     Theo phân tích trên, tham nhũng đồng nghĩa với một nhà nước hủ bại, đục khoét của công và đục khoét sức dân. Tham nhũng kéo lùi sự phát triển. Các nhà lãnh đạo tôn giáo, các chính khách phương Tây từng lên án tham nhũng gay gắt. Giáo hoàng Francis đã gọi tham nhũng là “phần hoại tử của nhân loại”. Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng tham nhũng “tàn phá niềm tin vào sự chính danh của chính quyền”. Cựu Thủ tướng Anh David Cameron mô tả tham nhũng là “một trong những kẻ thù nguy hiểm nhất của sự tiến bộ xã hội trong thời đại của chúng ta”. Vì vậy, không phải chỉ có Việt Nam mới đấu tranh với tham nhũng. Thành tựu về chống tham nhũng và phát triển có quan hệ tỉ lệ thuận. Những quốc gia phòng chống tham nhũng mạnh mẽ, hiệu quả là những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế. Một chính phủ sạch là điều kiện đầu tiên của phát triển. Chính phủ không sạch thì chỉ có phá hoại và đất nước không thể phát triển. Vì vậy, một nhà nước trong sạch, hiệu quả, mạnh mẽ phải xem chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên. Nhiều người ví tham nhũng như thứ giặc xâm lược từ bên trong: giặc nội xâm. Trong tiếng Hán, chữ Tặc gồm chữ Nhung (đồ binh khí) và chữ Bối (vật quí báu); ý nói dùng vũ khí, vũ lực để cướp bóc. Giặc hiện hình rất rõ ràng, nhân dân rất dễ nhận ra chúng, rõ mặt, rõ mày. Tham nhũng nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm rất nhiều. Không thường xuyên chống tham nhũng hiệu quả nghĩa là nhà nước tự đào hố dưới chân mình.

     3, Tham nhũng làm đảo lộn hệ giá trị xã hội, có thể tạo ra một thế hệ mất phương hướng

     Tham nhũng có thể làm đảo lộn các giá trị xã hội. Nắm quyền lực, bọn tham nhũng có thể khoác chiếc áo vì dân, vì nước để đánh lừa đồng bào, đồng chí; chúng trù dập người tốt nhưng đóng vai cách mạng, đạo đức, đổi mới sáng tạo. Những người tài năng, trung thực rất dễ bị đẩy về phía thiểu số, bị qui chụp các sai lầm, khuyết điểm, thậm chí những tội trạng.

     Tham nhũng hoành hành nghĩa là pháp luật suy yếu, đạo đức suy đồi, văn hoá suy thoái. Văn hoá suy thoái nghĩa là nền tảng tinh thần của xã hội lung lay. Tình trạng này kéo dài có thể tạo ra sự khủng hoảng về chính trị, kinh tế, văn hoá. Nó tạo ra một thế hệ mất định hướng về giá trị, thật giả lẫn lộn, khó phân biệt. Nguồn lực phát triển sẽ bị phân tán. Thời phong kiến, trong những thời điểm như thế, những người tài năng phải lui về quê ở ẩn để tự bảo vệ mình, nếu không “thức thời”. Trách nhiệm xã hội cuối cùng không ai khác hơn là những tài năng thực lòng vì nước, vì dân.

     4, Có chống tham nhũng mới bảo vệ được cán bộ trung thực, tài năng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

     Tham nhũng luôn là một hệ thống, cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Hệ thống dọc là các mắc xích cùng ngành cùng cơ quan nâng đỡ nhau từ trên xuống, bợ đỡ nhau từ dưới lên. Hệ thống ngang là mạng lưới các cơ quan thay vì kiểm soát nhau thì lại chia sẻ lợi ích không chính đáng và bảo vệ nhau. Trong hệ thống dọc, thủ trưởng trong sạch, nghiêm minh, chặt chẽ thì nhân viên không dám tham nhũng. Thủ trưởng không trong sạch, nhân viên phải cung phụng cho thủ trưởng; để cung phụng, họ phải tham nhũng. Để tạo ê kíp và bảo vệ mình, thủ trưởng tham nhũng sẽ chọn kẻ tham nhũng và loại trừ những người trong sạch. Trong hệ thống ngang, ai cũng tham nhũng thì không có ai chống tham nhũng hoặc việc chống tham nhũng chỉ là trên giấy tờ; không ai dám nói, dám làm hoặc chuyện dám nói, dám làm chỉ là khẩu hiệu trang trí, nguỵ trang cho bọn tham nhũng. Vì vậy, tham nhũng cấu kết thành một thế lực lũng đoạn không chỉ kinh tế mà cả chính trị.

     Từ đó, còn tham nhũng thì những người trong sạch không có đất sống:

     Một, kẻ thù không đội trời chung của tham nhũng là những người tài năng, trung thực, dám nói, dám làm; còn những con người này, các thế lực tham nhũng khó bề hoạt động vì vậy chúng phải loại trừ cho kỳ được; loại trừ cả ai không đứng về phía chúng chứ không chỉ những người dám chống lại chúng.

     Hai, để dễ bề tham nhũng, các thế lực xấu lôi kéo, cất nhắc, nâng đỡ những kẻ hư hỏng, kém tài năng. Trong môi trường tham nhũng, chức vụ cũng là kết quả của tham nhũng, do tham nhũng, vì tham nhũng mà ra.

     Ba, muốn có chức vụ phải đút lót, khi có chức vụ thì vơ vét để bù đắp và tiếp tục mua chức vụ cao hơn; qui trình này gián tiếp loại bỏ những người xứng đáng.

     Bốn, bọn tham nhũng sẽ tìm mọi cách vô hiệu hoá pháp luật. Pháp luật bị vô hiệu hoá thì pháp luật không trừng trị mà còn bảo vệ, dung dưỡng cái xấu, cái ác; không bảo vệ mà còn tiêu diệt cái tốt, cái đẹp. Nạn nhân của tình trạng này chính là những người tài năng, trong sạch.

     Năm, môi trường tham nhũng trói tay trói chân, vô hiệu hoá những người tài năng. Họ trở thành thiểu số, nản lòng và dần dần có thể đánh mất phẩm chất của mình: để tự bảo vệ, hoặc là im lặng, bàng quan, mũ ni che tai, hoặc là biến chất, đứng về phía tham nhũng để không trở nên “cô độc”. Có bị cáo từng nói chua chát khi đứng trước vành móng ngựa: Trong một xã hội ai cũng khom lưng thì đứng thẳng là khuyết tật! Như vậy, tham nhũng sẽ ngày càng bành trướng thế lực, chúng vừa là một thế lực kinh tế, vừa là một thế lực chính trị. Về kinh tế, chúng đáng sợ khi có thể mua bán mọi thứ; về chính trị, chúng nguy hiểm khi có thể quyết định số phận của người khác bất chấp pháp luật và đạo lý. Chống tham nhũng hiệu quả cũng là để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; đó là lời động viên, tiếp thêm sức mạnh sáng tạo; tạo ra dư luận đồng tình ủng hộ trong nhân dân.

[1] Daron Acemoglu & James A. Robinson: Corruption Is Just a Symptom, Not the Disease, Wall Street Journal, 03/12/2015