5, Môi trường không tham nhũng hoặc kiểm soát được tham nhũng sẽ khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Ngược lại với tình trạng đã phân tích bên trên, nhà nước kiểm soát được tham nhũng thì kẻ tham nhũng bị loại trừ ra khỏi bộ máy quyền lực, nhường chỗ cho những người tài năng, trong sạch. Tham nhũng bị loại trừ khỏi bộ máy quyền lực nghĩa là việc mua bán quyền lực cũng bị loại trừ được. Trong điều kiện đó, tham nhũng không thể kéo bè kéo cánh để hãm hại hoặc vô hiệu hoá pháp luật, vô hiệu hoá những người tài năng, trong sạch. Tiêu diệt tham nhũng là một sự sàng lọc căn bản về con người. Những người trong sạch, tài năng sẽ được lựa chọn, cất nhắc vào các vị trí xứng đáng. Chính họ sẽ kiến tạo sự phát triển, thiết kế môi trường làm việc công bằng, bình đẳng. Chỉ có những người tài năng, trong sạch mới biết trân trọng, biết sử dụng và tạo điều kiện cho những người tài năng, trong sạch.
Mặt khác, tham nhũng được kiểm soát là một điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế một cách lành mạnh. Tham nhũng được kiểm soát, đấy đã là một sự giải phóng nguồn lực phát triển. Tất cả các chuyên gia kinh tế đều thống nhất: để chấm dứt đói nghèo, phải chống tham nhũng. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng phát biểu: “Tham nhũng cản trở mọi mặt đời sống kinh tế và cuộc sống dân sự. Nó là cái mỏ neo kéo bạn xuống và ngăn cản bạn đạt được những gì bạn có thể làm”. Ông liên hệ một trường hợp cụ thể: “Không có gì sẽ giải phóng tiềm năng kinh tế của châu Phi hơn là chấm dứt ung nhọt tham nhũng”.
Kinh tế phát triển lành mạnh sẽ giúp tăng cường pháp luật, củng cố chính trị, giúp định hình các giá trị văn hoá. Kinh tế lành mạnh, về một phương diện nào đó, là vệ sĩ của văn hoá. Trong môi trường tham nhũng được kiểm soát thì chính trị, kinh tế, văn hoá lành mạnh, tốt đẹp; những người tài năng trung thực sẽ có các lợi thế sau: một, được pháp luật bảo vệ; hai, có môi trường để thể hiện tài năng, sự trung thực; ba, họ là đa số, chính họ sẽ thúc đẩy các giá trị tốt đẹp và có cơ hội có nhiều đóng góp đối với sự phát triển của đất nước; bốn, trừng trị tham nhũng sẽ làm bọn tham nhũng chùn bước, kiêng dè; tham nhũng chùn bước là cơ hội cho người tài năng, trong sạch.
6, Không dám nói, không dám làm, bàng quan, vô cảm trước tham nhũng những tiêu cực không có nghĩa là vô can trước hậu quả của tham nhũng, tiêu cực
Các nghiên cứu từng đưa ra thuật ngữ “bẫy không bị trừng phạt” (Impunity Trap): nhiều người có thể thoát tội vì nắm quyền lực, được quyền lực bất minh che chở hoặc lách qua được khe hở của pháp luật. Tuy nhiên, “gậy ông đập lưng ông” có thể diễn ra. Hành vi phạm pháp, tiêu cực càng chồng chất một khi phải “kết toán”, “tính sổ” thì hậu quả càng nặng nề. Có thể liên hệ đến “bẫy im lặng”: im lặng không có nghĩa là vô can, im lặng phải chịu trách nhiệm của sự im lặng, im lặng có cái giá của sự im lặng! “Cơ chế” của bẫy im lặng có thể là: một, bọn tham nhũng có thể loại bỏ kẻ im lặng; hai, bọn tham nhũng cũng có thể mua lấy sự im lặng; ba, cán bộ, đảng viên luôn phải chịu trách nhiệm không chỉ của cá nhân mà cả của tập thể; im lặng trước tiêu cực cũng là một khuyết điểm đáng trách; bốn, trong nhiều trường hợp, luật pháp và dư luận không buông tha cho kẻ im lặng vì im lặng trước cái xấu là đồng loã.
7. Trên thực tế cũng có tâm lý sợ trách nhiệm, không dám làm, không dám đổi mới
Có người lập luận: làm mới sai, không làm gì thì không bao giờ sai; chỉ thấy cán bộ dám đổi mới ra trước vành móng ngựa chứ chưa thấy người không dám nghĩ, không dám làm, làm việc kém hiệu quả ra trước vành móng ngựa. Ông Nguyễn Thành Danh, nguyên giám đốc CDC Bình Dương từng bị tạm giam hơn 10 tháng trước khi được Hội đồng Xét xử sơ thẩm Toà án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên miễn trách nhiệm hình sự trong đại án Việt Á. Đấy cũng là một sự hi sinh. Cán bộ làm việc hiệu quả, thực sự trong sạch, thực sự vì cái chung thì sẽ được pháp luật bảo vệ, sớm hoặc muộn. Pháp luật chân chính luôn có mắt. Dư luận luôn có tai. Không thể vì những sự việc đáng tiếc như vậy mà khuyếch đại, thổi phồng để xuyên tạc bản chất của chế độ. Thực tế cuộc sống luôn đặt ra những “khó khăn”, “thách thức” mà cơ chế, chính sách chưa lường hết được. Để mở đường, cần đến những tính cách dũng cảm, dám làm, dám nghĩ. Đó là cơ hội để cán bộ, đảng viên thể hiện bản lĩnh, khẳng định năng lực mà nếu thực sự vì nước vì dân thì không nên chùn bước.
Còn nhớ, chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng phải đối mặt với những tình huống khó khăn như vậy. Với tinh thần của người cộng sản, ông nêu vấn đề: “Một là dân đói nhưng các đồng chí giữ nguyên chức nếu theo đúng chỉ đạo, mua lúa giống không quá 8 đồng/kg. Hai là dân no, khắc phục được ngay hậu quả, kịp vụ, nhưng các đồng chí mất chức. Các đồng chí chọn cái nào?...”. Ông nói rõ quan điểm của mình một cách có tình, có lý: “Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước làm cho dân đói khổ, cán bộ lo cho dân no lại bị kỷ luật. Còn nếu cấp trên nghiêm, cứng, cứ yêu cầu phải kỷ luật để làm gương thì thà chịu mất chức còn tốt hơn là ngồi đó để thấy dân mình đói khổ”. Trên thực tế, ông đã đúng. Không có chủ trương nào của Đảng, Nhà nước kỷ luật cán bộ lo cho dân cho nước. Ông là một tấm gương dám làm, dám chịu. Điều quan trọng là tổ chức sẽ nhận ra những ai thực sự vì công việc chung. Quan trọng hơn, nhân dân luôn rất công bằng đối với những ai thực sự vì nước vì dân. Về điều này, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ: “… tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời, có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý kỷ luật, không còn uy tín đối với nhân dân”[1]. Vấn đề đặt ra là Đảng và Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và dễ dàng thay thế, đào thải cán bộ yếu kém, hư hỏng.
Tóm lại, tham nhũng tạo ra một sự bất bình đẳng trong sử dụng nguồn lực xã hội. Tham nhũng có tính truyền nhiễm. Chúng vô hiệu hoá pháp luật, huỷ hoại đạo đức, làm xói mòn nền kinh tế với tư cách là nền tảng vật chất của xã hội, làm lung lay các giá trị văn hoá với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội. Chúng sẵn sàng tiêu diệt những ai cản trở chúng. Trên nhiều phương diện, im lặng không hề vô can trước pháp luật và qui định của Đảng. Chống tham nhũng, tiêu cực chính là lời cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho những tài năng thực sự vì nước, vì dân. Cán bộ, đảng viên phải luôn tâm niệm: dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với thách thách, khó khăn để mưu lợi cho dân cho nước là trách nhiệm, nghĩa vụ, là thiên chức, là lương tâm, là đạo lý. Thà thiệt thòi hay tạm thời oan ức vì dám làm và làm đúng hơn là bị nguyền rũa vì không dám làm, vì im lặng, đồng loã với cái sai. Để làm được như thế, cán bộ, đảng viên phải luôn rèn luyện đạo đức và bản lĩnh, không ngừng học tập để nâng cao trình độ, luôn học tập và làm theo lời dạy của Bác: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Đó chính là “tấm bùa hộ mệnh” hữu hiệu của cán bộ, đảng viên trong mọi môi trường, hoàn cảnh.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tập 1, tr.179