Cao Bằng, mảnh đất biên cương của Tổ quốc, nơi ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày 01/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên Cao Bằng ra đời, là một trong số chi bộ được thành lập sớm nhất ở vùng Đông Bắc Tổ quốc. Trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lãnh đạo nhân dân giành được những thành tích to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cả nước, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam
Nặm Lìn - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, biến nước ta thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Từ đó, các phong trào yêu nước, đấu tranh của nhân dân ta diễn ra liên tục, mạnh mẽ, song chưa thành công.
Những năm 1920, đầu 1930, Chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam, đã mở ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mới.
Nhờ hoạt động tích cực và có kết quả dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bộ phận ở nước ngoài của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 12/1929, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đảng và tuyên bố thành lập Chi bộ Hải ngoại Long Châu (Trung Quốc) do đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ có nhiệm vụ gây dựng và phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở vùng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn, hướng dẫn thanh niên yêu nước ra dự những lớp huấn luyện cách mạng ở nước ngoài, đưa đón cán bộ đi hoạt động giữa hai vùng biên giới.
Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Chi bộ Hải ngoại Long Châu chính thức trở thành Chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, đầu năm 1930, Chi bộ Hải ngoại Long Châu đã cử đồng chí Hoàng Văn Nọn về Cao Bằng hoạt động để chuẩn bị tiến tới thành lập tổ chức đảng ở Cao Bằng. Sau một thời gian tuyên truyền, rèn luyện, qua kiểm tra phong trào và thử thách cán bộ, ngày 01/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An gồm 3 đồng chí: Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như), Lê Đoàn Chu (tức Lê Mới, Nam Cao), Nông Văn Đô (tức Bích Giang, Cát Lợi) do đồng chí Hoàng Văn Nọn làm Bí thư. Đây là Chi bộ Đảng đầu tiên của Hòa An cũng là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng. Từ lúc thành lập, Chi bộ đã làm nhiệm vụ như Ban Tỉnh ủy lâm thời lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Cũng tại cuộc họp thành lập chi bộ, các đồng chí đã đề ra hai nhiệm vụ hàng đầu là: tích cực phát triển Đảng, đặc biệt là ở khu mỏ thiếc Tĩnh Túc và ở thị xã; đẩy mạnh phong trào chống thuế, chống phù thu lạm bổ, chống bắt phu vào ngày mùa, đi phu phải được cấp tiền, gạo…
Đoàn viên, thanh niên huyện Hòa An tìm hiểu về Khu di tích Nặm Lìn - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh (Ảnh: Minh Tuyền)
Sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng đã đánh dấu bước ngoặt trên con đường đấu tranh giải phóng, tạo nền móng vững chắc cho phong trào cách mạng và sự phát triển thành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng sau này. Từ đây, phong trào đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước, giành độc lập dân tộc của nhân dân các dân tộc Cao Bằng và nhân dân cả nước được đặt dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Từ một chi bộ đầu tiên ra đời năm 1930, đến năm 1935, Cao Bằng có 10 chi bộ hoạt động ở 5 địa phương (Hòa An, Hà Quảng, Quảng Uyên, Thạch An, Nguyên Bình) và Mỏ thiếc Tĩnh Túc (Nguyên Bình) với trên 70 đồng chí đảng viên. Năm 1933, Đảng bộ Cao Bằng được công nhận do đồng chí Hoàng Như làm Bí thư.
Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lãnh đạo cách mạng giai đoạn 1930-1975
Trong thời kỳ 1930 - 1935, phong trào đấu tranh cách mạng của Cao Bằng từng bước phát triển, với sự ra đời của nhiều tổ chức quần chúng yêu nước. Cao Bằng trở thành cầu nối giữa Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng với phong trào cách mạng trong nước.
Trong những năm 1936 - 1939, phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ. Cũng trong thời kỳ này, hầu hết các châu trong tỉnh có cơ sở đảng, có các chi bộ hoạt động.
Ngày 28/01/1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đến Pác Bó, xã Trường Hà, Hà Quảng. Tại Pác Bó, Người chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 5/1941, thay đổi chiến lược cách mạng Việt Nam, từ chỗ đặt 2 nhiệm vụ giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ngang nhau đến việc đặt nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tạm gác nhiệm vụ cách mạng ruộng đất, xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang; chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh (5/1941), thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) và chuẩn bị các điều kiện khởi nghĩa vũ trang, củng cố và mở rộng cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Cao Bằng đã phối hợp với quân và dân cả nước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của Pháp, đặc biệt là chiến thắng Biên Giới cuối năm 1950 đã mở thông cánh cửa của cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới, đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thoát khỏi thế phải “chiến đấu trong vòng vây”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống của quê hương cội nguồn cách mạng, xây dựng hậu phương vững mạnh, đóng góp sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, cùng quân và dân cả nước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lãnh đạo thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới
Giai đoạn 1975 - 1985, sau khi đất nước thống nhất, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tháng 2/1979, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc chiến đấu kết thúc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy ý chí tự lực, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực khôi phục kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Niềm tin trong giai đoạn cách mạng mới ngày càng được phát huy, trải qua 95 năm xây dựng và phát triển, từ Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, đến nay, Đảng bộ tỉnh có 565 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 62.000 đảng viên. 100% xóm có đảng viên và có chi bộ. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố. Tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh Cao Bằng tiếp tục ổn định, phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó: Hoàn thành đạt và vượt 11/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu; Kinh tế phục hồi, phát triển với nhiều điểm sáng, kết quả tăng trưởng GRDP ước đạt 6,74% (cao nhất tính từ đầu giai đoạn đến nay); nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2023: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19,9%; Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 29% (vượt 32% kế hoạch); tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ và doanh thu tiêu dùng tăng 16,84%; tổng thu du lịch tăng 9,8%; doanh thu vận tải tăng 7,06%; diện tích trồng rừng tăng gấp 3,7 lần; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 21,4%.... Các nhiệm vụ văn hóa - xã hội được triển khai kịp thời; tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, để lại ấn tượng tốt đẹp với đại biểu và du khách trong, ngoài nước; các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước được tổ chức đảm thiết thực, hiệu quả; ngành thể thao đạt được những bước tiến, dấu ấn nối bật; chất lượng giáo dục giáo dục mũi nhọn được nâng lên, giải quyết tạm thời tình trạng thiếu giáo viên cục bộ; công tác chăm lo đời sống các đối tượng chính sách và công tác giảm nghèo luôn được quan tâm thực hiện và đạt kết quả khá tốt; các chính sách dân tộc và các chương trình, dự án hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đảng, Nhà nước được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; công tác đối ngoại được mở rộng, đi vào chiều sâu; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Đó là cơ sở bền vững để Cao Bằng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.