Tổ dân phố ở đô thị (thôn ở nông thôn, bản ở miền núi) là một thiết chế tự quản rất đặc thù của cộng đồng dân cư Việt Nam. Tuy không được xác định chính thức là một cấp hành chính, nhưng mỗi tổ dân phố đều có Tổ trưởng là người đại diện cho chính quyền, có cấp ủy Đảng và nhiều tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị (chi Đoàn, các tổ công tác Mặt trận, Phụ nữ, Cựu chiến binh). Ngoài ra, ở địa bàn nông thôn, các thôn còn có khá nhiều các thiết chế phi chính thức như hội đồng niên, hội đồng ngũ, hội đồng học, hội khuyến học…
Tổ dân phố là đầu mối cơ sở triển khai thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và rộng rãi của nhân dân trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và mọi nhiệm vụ, công việc cấp trên giao phó. Tổ dân phố là nơi thu nhận những ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng, lợi ích, nhu cầu, trạng thái tinh thần… của cộng đồng dân cư. Bởi vậy, có thể xem mỗi tổ dân phố là “hàn thử biểu” nhạy cảm và trực tiếp nhất của xã hội trước những vấn đề lớn, nhỏ của đất nước.
Thành viên “Tổ COVID-19 cộng đồng” ấp 5, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh tuyên truyền phòng, chống dịch cho người dân. Ảnh: Internet.
Từ đầu năm 2020, cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam đạt nhiều kết quả được thế giới ghi nhận, đánh giá cao vì chúng ta đã biết phát huy sức mạnh ưu việt của cả hệ thống chính trị, huy động toàn dân tham gia “chống dịch như chống giặc”.
Bài học kinh nghiệm quý báu đó đã được Đảng, Nhà nước tiếp tục vận dụng trong bối cảnh mới của đợt phòng, chống dịch bệnh lần thứ tư diễn ra từ cuối tháng 4-2021 đến nay. Lần này, chủ trương ấy được cụ thể hóa bằng phương châm xây dựng mỗi xã, phường thành một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ. Mắt khâu cơ sở như những huyết mạch đem lại sức chiến đấu cho mỗi pháo đài chính là sự tồn tại và hoạt động linh hoạt, sáng tạo của các tổ dân phố và của toàn thể công dân - chiến sĩ!
Nhằm huy động sức mạnh toàn dân vào cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19, khắp các địa phương từ trong Nam ra ngoài Bắc, ở mỗi nơi đều áp dụng nhiều mô hình thiết thực nhằm huy động Tổ dân phố tham gia chống dịch. Tại các Tổ dân phố đã thiết lập Tổ Covid cộng đồng (nòng cốt là các thành viên cốt cán của tổ công tác Mặt trận, Hội Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh trong Tổ dân phố) và Tổ này đã thực sự phát huy vai trò giúp ổn định trật tự và an toàn cho người dân trong cộng đồng dân cư. Ở mỗi một địa phương, Tổ Covid có những cách thức tổ chức khác nhau nhưng nhìn chung đều triển khai những hoạt động thiết thực, hiệu quả giúp cộng đồng dân cư phòng, chống dịch.
Tổ Công tác Covid tại TP Đà Nẵng đi lấy thông tin, kiểm tra thân nhiệt người dân trong tổ. Ảnh: Internet.
Tổ Covid cộng đồng có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K. Bằng cách thiết lập các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin, Tổ Covid cộng đồng yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hàng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình, chủ động cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19.
Thành viên trong Tổ Covid còn có nhiệm vụ giám sát, phát hiện và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và y tế phường,xãnhững trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện được tại các hộ gia đình như: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, viêm đường hô hấp… để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời. Đồng thời, phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền những trường hợp không tự giác khai báo y tế; không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đi từ vùng dịch về; nhập cảnh trái phép; trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết các trường hợp F1, F2 khi có ca bệnh trên địa bàn phụ trách.
Chốt trực tại chung cư Nam Cường, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thành viên Tổ Covid cộng đồng đã không quản khó khăn, vất vả, ngày đêm cùng các lực lượng tình nguyện khác hỗ trợ đi chợ giúp người dân và phân phát nhu yếu phẩm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; xông pha vào các điểm lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine trên địa bàn để nhắc nhở người dân thực hiện giãn cách, khai báo y tế… Tổ Covid chính là “cánh tay nối dài”, là “vũ khí” sắc bén hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chức năng trong phòng, chống dịch, nhất là khi dịch lây lan mạnh trong cộng đồng.
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều địa phương, nhờ kích hoạt kịp thời những Tổ Covid cộng đồng với sự tham gia của các thành viên tích cực, năng nổ đã giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thu được nhiều kết quả khả quan. Từ việc chủ động, tích cực tuyên truyền của Tổ Covid cộng đồng mà ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân ngày càng được nâng cao, người dân yên tâm, tin tưởng và tuân thủ tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tổ Covid cộng đồng còn làm tốt vai trò cầu nối, kịp thời phát hiện, kêu gọi sự sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là với những lao động tự do, công nhân mất việc làm, không có thu nhập sinh sống trên địa bàn.
Cuộc chiến phòng chống Covid-19 chắc chắn sẽ còn kéo dài, cam go và đầy thử thách trên phạm vi toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Mỗi sáng kiến, sáng tạo đều rất quý báu, nhất là những mô hình hay, kinh nghiệm tốt đã được thực tế kiểm chứng thiết thực, hiệu quả. Cái duy nhất không đáng giá, đó là thái độ phê phán vô trách nhiệm, những tuyên ngôn trống rỗng, những hành vi dân túy, cơ hội… của ai đó chưa hề dấn thân vào cuộc đấu sức, đấu trí mang tính sống còn này!