(thinhvuongvietnam.com) - Quan hệ Mỹ-Trung hiện đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới với những dấu hiệu rõ ràng về một cuộc chiến thương mại tái diễn dưới thời chính quyền Trump nhiệm kỳ 2. Với những gì đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump – khi thuế quan được áp dụng rộng rãi lên hàng hóa Trung Quốc – và đặc biệt với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump về việc áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, "Thương chiến Mỹ-Trung 2.0" không còn là viễn cảnh xa vời mà đã chính thức khởi phát.

Sau khi đã áp thuế 10% vào đầu tháng 2, việc ngày 27/2 ông Trump công bố kế hoạch áp bổ sung thêm 10% thuế với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nâng tổng mức thuế lên 20% được xem là đã khởi động lại một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà ông đã phát động trong nhiệm kỳ đầu. Khác với thương chiến 1.0 tập trung vào hàng hóa truyền thống, giai đoạn mới có thể mở rộng sang lĩnh vực chất bán dẫn, AI, xe điện, và năng lượng sạch – những trụ cột trong kế hoạch "Made in China 2025". Đáng chú ý, động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ tăng cường hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc (như quy định với ASML, NVIDIA), biến cạnh tranh thương mại thành "cuộc chiến công nghệ đa phương diện".

Tác động đối với nước Mỹ
Chính sách thuế quan của Trump 2.0 nhằm kích thích sản xuất nội địa và thu hẹp khoảng cách thương mại với Trung Quốc mang lại tác động kép. Tác động phụ thuộc vào cơ cấu hàng hóa bị đánh thuế: nếu các sản phẩm thiết yếu chuyển chi phí sản xuất cho người tiêu dùng, lạm phát nội địa sẽ tăng1. Đồng thời, việc Trung Quốc giữ vai trò chủ chốt trong cung ứng đất hiếm cho ngành chip và công nghệ cao tạo ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng khi áp dụng các biện pháp trừng phạt. Chiến lược “friend-shoring” và “near-shoring” chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia đồng minh như Ấn Độ, Mexico giúp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng lại làm tăng chi phí và đặt ra thách thức cạnh tranh. Các học giả cảnh báo rằng, áp lực lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng có thể làm suy yếu lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ dù mục tiêu ban đầu là tái cấu trúc sản xuất nội địa.

Tác động đối với Trung Quốc
Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai và trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu – chịu tác động trực tiếp khi Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan và hạn chế tiếp cận thị trường, đặc biệt đối với các ngành công nghệ cao và hàng tiêu dùng. Đáp lại, Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược “tuần hoàn kép” nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường nước ngoài bằng cách tăng cường tiêu dùng nội địa, đổi mới sáng tạo và đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Trong ngắn hạn, thương chiến 2.0 có thể làm chậm tăng trưởng và giảm lợi thế xuất khẩu, nhưng về dài hạn, quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế có thể tạo ra sức mạnh nội sinh mới. Đồng thời, việc đa dạng hóa đối tác thương mại giúp giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu
Thương chiến Mỹ-Trung 2.0 đe dọa sự ổn định kinh tế toàn cầu không chỉ qua tác động ngắn hạn đối với tăng trưởng mà còn qua những thay đổi lâu dài trong cấu trúc chuỗi cung ứng. Ảnh hưởng phụ thuộc vào khả năng thích ứng của các quốc gia, mức độ áp dụng biện pháp thuế quan và sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, các biến số như chính sách tiền tệ thắt chặt của FED, bất ổn địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng góp phần. Các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu, đặc biệt ở Đông Á, có thể chịu tác động tiêu cực khi chuỗi giá trị toàn cầu được tái cấu trúc. Trong bối cảnh đó, các hiệp định thương mại tự do kiểu mới và cơ chế hợp tác khu vực như RCEP được kỳ vọng giúp giảm bớt tác động tiêu cực, mặc dù mức độ ảnh hưởng sẽ khác nhau tùy thuộc vào năng lực thích ứng của từng quốc gia.

Tác động đối với Việt Nam

Một nhận định phổ biến là ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, sẽ được hưởng lợi từ thương chiến khi dòng vốn đầu tư và sản xuất dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng một phần. Trước tiên, không phải toàn bộ lợi ích sẽ đổ dồn về Việt Nam, mà còn chia sẻ với các nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia. Cùng với việc Mỹ ngày càng chú trọng đến thâm hụt thương mại song phương sẽ làm tăng nguy cơ Việt Nam trở thành mục tiêu nếu xuất khẩu sang Mỹ tăng quá nhanh, thương chiến Mỹ - Trung khiến doanh nghiệp Việt Nam rủi ro phải đối mặt với yêu cầu kép: vừa tuân thủ quy định về nguồn gốc nguyên liệu của Mỹ, vừa duy trì khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam cần xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể, đồng thời cảnh báo rằng các biện pháp bảo hộ từ các nền kinh tế lớn có thể gây ra tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu và sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý về tầm quan trọng của việc tăng cường đa dạng hóa thị trường nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào một số đối tác kinh tế chủ chốt2. Điều này đòi hỏi thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP và tăng cường hợp tác nội khối ASEAN nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ - Trung. Đồng thời, Việt Nam cần tận dụng cơ hội để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nhằm giảm rủi ro từ những biến động chính sách thương mại quốc tế.

Kết luận

Thương chiến Mỹ-Trung 2.0 không chỉ là cuộc đối đầu kinh tế giữa hai cường quốc mà còn phản ánh quá trình tái cấu trúc trật tự kinh tế toàn cầu. Tuyên bố của Tổng thống Trump áp thuế thêm 10% lên hàng hóa Trung Quốc có thể đã châm ngòi cho một cuộc chiến gay gắt về kinh tế và công nghệ. Các biện pháp bảo hộ của Mỹ nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa và điều chỉnh chuỗi cung ứng đã gây ra hiệu ứng lan tỏa: gia tăng áp lực lạm phát, gián đoạn chuỗi giá trị và thay đổi chiến lược kinh tế ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh này, nguy cơ suy thoái và xu hướng phân mảnh kinh tế phụ thuộc vào khả năng thích ứng của từng nền kinh tế, trong khi các hiệp định thương mại và hợp tác khu vực chỉ phần nào bù đắp cho sự lệ thuộc vào chuỗi cung ứng truyền thống. Đối với Việt Nam và khu vực, trong thương chiến Mỹ -Trung 2.0 có thể xuất hiện cơ hội thu hút đầu tư, nhưng cũng đòi hỏi chiến lược ứng phó linh hoạt, nâng cao nội lực sản xuất và đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, Trung Quốc đang chịu áp lực tái cơ cấu để hướng tới nền kinh tế tự chủ, đồng thời đa dạng hoá thị trường sang các khu vực như ASEAN hay Trung Đông.

……………….................

  1. Trump's Tariff Talk Is Making the Fed Cautious About Cutting Interest Rates; University of Michigan Survey of Consumers. “Inflation Expectations Reflect Views on Policies”. http://www.sca.isr.umich.edu/files/featured-chart_large-ea29ea53.png
  2. https://vnexpress.net/thu-tuong-chuan-bi-kich-ban-cho-kha-nang-chien-tranh-thuong-mai-the-gioi-4845990.html.