Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm, mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Trả lời
Trong kỷ nguyên mới, giáo dục đại học không chỉ là nơi đào tạo nhân lực mà còn là động lực cốt lõi giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Đầu tư vào giáo dục đại học chính là đầu tư vào tương lai của quốc gia. Ngày 27/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quan điểm phát triển là:
Thứ nhất, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia; bảo đảm sự liên kết, đồng bộ với các quy hoạch quốc gia khác có liên quan.
Thứ hai, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trong đó mạng lưới trường sư phạm, cơ sở đào tạo giáo viên là một thành phần quan trọng, gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; lấy chất lượng, hiệu quả làm nền tảng để từng bước mở rộng quy mô, cân bằng cơ cấu đào tạo, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng vùng, gia tăng cơ hội tiếp cận đại học cho người dân, phục vụ nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.
Thứ ba, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đại học thống nhất trong đa dạng, mở và liên thông, hài hòa giữa công lập và tư thục, định hướng nghiên cứu và ứng dụng; lấy tự chủ đại học làm động lực thúc đẩy hợp tác và cạnh tranh, nâng cao thế mạnh và hiệu quả hoạt động của từng cơ sở và tối ưu hóa toàn hệ thống; khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục đại học lớn đủ năng lực cạnh tranh quốc tế; sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học hoạt động kém hiệu quả, kém chất lượng và các trường cao đẳng sư phạm.
Thứ tư, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học làm nòng cốt của mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ; hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của cả nước, từng vùng và các địa phương.
Thứ năm, huy động mọi nguồn lực trong đó ngân sách nhà nước là nguồn lực chính để củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tương xứng với vai trò, sứ mạng của giáo dục đại học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; tập trung đầu tư từ ngân sách nhà nước để phát triển một số cơ sở giáo dục đại học công lập ngang tầm khu vực và thế giới, nhất là trong một số lĩnh vực then chốt, trọng yếu; khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục, nhất là cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Mục tiêu tổng quát phát triển giáo dục đại học và sư phạm đến năm 2030 là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đồng bộ và hiện đại với quy mô, cơ cấu và phân bố hợp lý; thiết lập được một hệ thống giáo dục đại học mở, công bằng, bình đẳng, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới dựa trên nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như sau:
- Quy mô trên 3 triệu người học, đạt 260 sinh viên và 23 học viên sau đại học trên một vạn dân; tỷ lệ học đại học trên số người trong độ tuổi 18 - 22 đạt 33% trong đó không tỉnh nào có tỷ lệ thấp hơn 15%.
- Cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và công nghiệp hiện đại; tỉ trọng quy mô đào tạo thạc sĩ (và trình độ tương đương) đạt 7,2%, đào tạo tiến sĩ đạt 0,8%, đào tạo cao đẳng sư phạm đạt 1%; tỉ trọng quy mô đào tạo các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) đạt 35%.
- Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn; nâng cấp, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học đạt các tiêu chuẩn chất lượng ngang tầm khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030.
- Hình thành các trung tâm giáo dục đại học lớn, đào tạo chất lượng cao, trình độ cao gắn với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo tại 04 vùng đô thị gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ, tạo động lực phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và cả nước.
- Tăng các chỉ số đóng góp của giáo dục đại học trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG 4.3) và chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), phấn đấu vào tốp 10 quốc gia châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đồng bộ và hiện đại theo các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu học đại học chất lượng tốt của Nhân dân, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao và dẫn dắt phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của nước phát triển, thu nhập cao. Tỷ lệ sinh viên đại học trên số người trong độ tuổi 18-22 đạt từ 45% đến 50%, tỉ trọng quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tương đương mức trung bình của các nước có cùng trình độ phát triển. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của quốc gia, động lực then chốt thúc đẩy phát triển đất nước.
NĐT
(Theo: Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 452/QĐ-TTg, ngày 27 tháng 02 năm 2025 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).