Hội An nổi tiếng với Nghề mộc Kim Bồng, Nghề khai thác yến sào Thanh Châu, Nghề gốm Thanh Hà, Nghề trồng rau Trà Quế, Nghề thủ công truyền thống làm nhà tranh tre dừa và đan võng ngô đồng [1]... Bên cạnh những làng nghề mang tính tập trung, Hội An còn có rất nhiều cơ sở thực hành các nghề thủ công truyền thống khác nằm tản mác, đan xen trên khắp địa bàn dân cư như: nghề đan mây tre, làm mắm, làm đầu lân, đầu thiên cẩu... Tất cả đều đang rất cần được ưu tiên, định hướng phát triển, cách thức tổ chức… phù hợp với yêu cầu bảo tồn và phát triển, sáng tạo để tăng cao giá trị, lợi ích đối với cộng đồng địa phương, kiến tạo giá trị thương hiệu.
Làng mộc Kim Bồng, Hội An. Ảnh: mia.vn
Tiềm lực di sản văn hóa địa phương
Thành phố Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi. Trong đó đáng tự hào là các nghề: mộc, gốm, làm đèn lồng, làm tranh tre dừa, may mặc, làm đồ da...cư dân Hội An không chỉ tham gia tập trung tại các cơ sở, doanh nghiệp mà còn tham gia không chính thức là lao động tự do. Hội An đang còn có 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Từ lĩnh vực này, ước tính khoảng 4.000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3.500 - 4.000 USD mỗi năm.
Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị Quyết số 31-NQ/TU ngày 31/7/2023 về xây dựng thành phố Hội An theo định hướng thành phố “Sinh thái - Văn hóa - Du lịch”, đây là chính sách tạo thuận lợi đối với công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa. Đồng thời, UBND Thành phố đã tham mưu UBND tỉnh Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, sau khi đã được các Sở ban ngành góp ý, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất để trình Chính phủ thông qua. Đề án này có nhiều đề xuất về cơ chế, giải pháp cho việc bảo tồn và phát huy di sản cũng như nghề truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân gian trong xu thế phát triển mới. Đây là những cơ sở pháp lý và nguồn lực quan trọng để thành phố Hội An thực hiện cam kết với UNESCO khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu.
Cuối năm 2023, Hội An đón tin vui chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO; tham gia trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Mạng lưới này nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế trên cơ sở lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Đây là thời cơ lớn của thành phố để thúc đẩy mạnh mẽ các tiềm lực về văn hóa, truyền thống trở thành tài nguyên phát triển bền vững, mang lại những giá trị nổi bật trong tương lai, tăng cường hơn nữa sức hấp dẫn của Hội An trong giao lưu và phát triển.
Có thể nhận ra tiềm lực lớn ấy từ hệ thống các ngành nghề truyền thống và những loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo của địa phương đã tồn tại từ bao đời nay. Xuất phát từ điều kiện đặc thù của địa bàn cư trú, nguồn gốc dân cư và nhiều yếu tố lịch sử - xã hội khác nhau mà từ cơ sở nghề nông, các nghề truyền thống khác ở Hội An đã được hình thành một cách thích ứng, rất đa dạng, phong phú, gắn liền với lịch sử phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Cùng với đó, Hội An còn lưu giữ các giá trị di sản văn nghệ, trình diễn dân gian khá phong phú, đặc sắc; bao gồm các hình thức sinh hoạt văn nghệ diễn ra ngay giữa môi trường lao động sản xuất, giải trí thường ngày, các hình thức biểu diễn phục vụ hội hè, tín ngưỡng và biểu diễn nghệ thuật sân khấu… Tất cả đều giàu ý nghĩa, nội dung thẩm mỹ, mang tính giáo dục sâu sắc và hình thức sôi nổi, lôi cuốn.
Tuy nhiên, thời cơ lớn luôn đi liền với thách thức lớn như quản lý, phát huy nghề thủ công và văn nghệ dân gian để vừa bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa thích ứng, năng động, sáng tạo; tạo ra nhiều hoạt động giao lưu và phát triển bền vững nhưng không làm mất đi bản sắc của địa phương; hình thức biểu diễn dân gian được biết đến nhiều nhất chỉ có bài chòi, còn những hình thức nghệ thuật dân gian khác vẫn chưa thực sự có được sức sống mới trong lòng dân cư địa phương và du khách….Do vậy địa phương cần nhận thức rằng phát huy, sáng tạo để tăng cao giá trị, lợi ích đối với cộng đồng địa phương; đồng thời, vẫn luôn cần tỉnh táo để không bước qua giới hạn mong manh giữa bảo tồn và sáng tạo. Điều quan trọng là cần khơi dậy ý thức tự hào của cộng đồng khi họ chính là chủ nhân sáng tạo, lưu giữ, trao truyền cái vốn cổ, để chuẩn bị vững vàng cho một tinh thần mới đầy hứng khởi của quá trình hội nhập và sáng tạo. Do vậy cần chú ý giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù, văn hóa và văn minh; bảo tồn và phát huy nghề thủ công và văn nghệ dân gian ở Hội An, phát triển du lịch gắn với việc tăng cường sinh kế và cải thiện đời sống của cộng đồng địa phương; đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng của du khách, thân thiện với môi trường, tạo ra tính cạnh tranh và hấp dẫn cao của thương hiệu điểm đến du lịch Hội An.
Hướng đi bền vững để Hội An phát huy sáng tạo nguồn lực di sản
Nhằm phát huy tối đa nguồn lực di sản của mình, thành phố Hội An cần có những hướng đi bền vững, sáng tạo, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Một trong những bước đi quan trọng đầu tiên là tạo dựng cơ chế khuyến khích các hoạt động sáng tạo như tạo điều kiện, hỗ trợ các nghệ nhân, cơ sở sản xuất thủ công tham gia hội trại, hội chợ giao lưu học hỏi phát huy tinh hoa nghề cũng như năng lực quảng bá sản phẩm, tiếp cận xu thế mới trong dịch vụ, du lịch. Đồng thời, chú ý công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu của địa phương.
Song song với việc khuyến khích sáng tạo, Hội An cần tiếp tục hướng nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu liên quan đến tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian, nghề thủ công truyền thống trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ công tác sưu tầm của các tổ chức, cá nhân nhằm bảo tồn, phục hồi các di sản nghệ thuật dân gian, nghề thủ công đang có nguy cơ mai một. Hỗ trợ, động viên các nghệ nhân, nhà nghiên cứu đầu tư cho công trình nghiên cứu và in ấn, xuất bản những đầu sách giới thiệu, quảng bá về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật dân gian đặc sắc của địa phương.
Một yếu tố không thể thiếu trong việc bảo tồn di sản là xây dựng cơ chế khuyến khích hoạt động truyền nghề, trình diễn, tôn vinh nghệ nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy di sản. Lưu giữ tri thức trong các làng nghề là vấn đề cốt yếu để bảo tồn bền vững. Chính vì vậy, các nỗ lực bảo tồn nên tập trung cho việc khuyến khích trao truyền nghề, tạo cơ chế tốt cho hoạt động truyền nghề, truyền tình yêu đối với di sản.
Bên cạnh việc bảo tồn, Hội An cũng cần quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng mới, trở thành một thành phố sáng tạo với những hấp dẫn về điều kiện sinh hoạt trải nghiệm, từ đó sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ này thường là những con người nhân văn, tham gia vào quá trình tạo lập một thành phố hạnh phúc. Thành phố có các cơ chế, chính sách ưu đãi để họ yên tâm gắn bó làm việc lâu dài ở Hội An.
Ngoài ra, việc thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân lực sáng tạo từ các ngành nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, trình diễn cũng là hướng đi tiềm năng... Vốn văn hóa bản địa của cư dân thành phố sẽ là nguồn cảm hứng và chất liệu sáng tác, phát huy giá trị của di sản trong đời sống văn hóa đương đại.
Cuối cùng, để hướng đến mục tiêu trở thành đô thị di sản, việc tập trung xây dựng một Hội An “bảo tàng sống” ngay giữa môi trường văn hóa đương đại của cư dân bản địa là lối đi hứa hẹn nhiều thành công. Tuy nhiên, cùng với việc gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, vẫn có thể tính đến những đột phá, thể nghiệm mới, có khả năng nâng tầm vị thế di sản thế giới của Khu phố cổ Hội An. Đó có thể là những bảo tàng nghệ thuật mang hơi thở thời đại của thế giới, ưu tiên cho những nội dung vệ môi trường như kiến trúc xanh, sản phẩm nghệ thuật sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, sản phẩm sáng tạo từ vật liệu sẵn có của địa phương…
Với những định hướng trên, Hội An có thể trở thành một hình mẫu về phát triển di sản bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và đổi mới, giữ gìn quá khứ nhưng vẫn hướng tới tương lai.
Chú thích:
[1] Ngày 21/02/2024, Bộ VH-TT&DL ban hành Quyết định số 380/QĐ-BVHTTDL về việc ghi danh Nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh, Nghề đan võng Ngô Đồng ở Cù Lao Chàm - xã Tân Hiệp vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.